Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các Dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam 2023”
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023,” tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của 54 dân tộc
Tối 23/11, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, diễn ra Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các Dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam 2023” và Ngày hội trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023.
Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11) và 78 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).
Tham dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc; kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đề ra.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh, để dân tộc ta trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cầu nối tin cậy giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, nhằm tập hợp, động viên cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển; tiếp tục bồi đắp truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn, cùng phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định; hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhằm phục hồi phát triển kinh tế xã hội, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giải quyết căn cơ những vấn đề thực tiễn đặt ra, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đề cao cảnh giác cách mạng, không để các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hoan nghênh và đánh giá cao việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sự kiện có nhiều ý nghĩa này, ông Đỗ Văn Chiến mong muốn Bộ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, kết nối lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời nhấn mạnh đến công tác tiếp tục sưu tầm, bảo tồn phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của 54 dân tộc anh em, kết hợp với văn hóa phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam đến với du khách và bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền khai thác hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, để Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy, nơi hội tụ và lan tỏa bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, là nơi thăm quan, du lịch đặc sắc, là niềm tin, niềm tự hào của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định đại đoàn kết là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, được bao thế hệ cha ông bền bỉ xây dựng, vun đắp; đồng thời bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với lịch sử văn hóa mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, tình đoàn kết gắn bó keo sơn của cộng đồng 54 dân tộc anh em sẽ tiếp tục được củng cố ngày càng vững chắc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Sau Lễ khai mạc đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sắc màu hội tụ tỏa sáng.” Chương trình gồm 2 chương, với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, trải dài theo hành trình di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; tôn vinh những nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tiêu biểu, đặc sắc về 54 dân tộc Việt Nam./.