Trao đổi, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-New Zealand

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand có tăng trưởng tích cực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009 với mức tăng trung bình đạt 14,2%/năm, đạt 1,4 tỷ USD năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis đồng chủ trì kỳ họp. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam và New Zealand đều đang là những nền kinh tế năng động và đang tiến hành các biện pháp cải cách rất mạnh mẽ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có để ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh tại Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-New Zealand (JTEC) tổ chức ngày 23/5 tại trụ sở Bộ Công Thương.

Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-New Zealand (JTEC) do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis đồng chủ trì.

Theo Bộ Công Thương, Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam-New Zealand (JTEC) là một trong những cơ chế hợp tác quan trọng nhằm trao đổi, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.

Kể từ sau Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 7 vào tháng 10/2020, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-New Zealand đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Tại Kỳ họp lần này, Việt Nam-New Zealand tiếp tục rà soát tình hình hợp tác song phương qua các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, du lịch, hàng không, lao động...

[Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand]

Hai bên đánh giá cao nỗ lực và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc triển khai các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Hai bên nhận định kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-New Zealand năm 2022 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021 và nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 2 tỷ USD vào năm 2024.

Về thương mại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 13 (đứng thứ 5 trong ASEAN) của New Zealand. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand có tăng trưởng tích cực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009 với mức tăng trung bình đạt 14,2%/năm, đạt 1,4 tỷ USD năm 2022.

Tính đến nay, New Zealand có 39 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 209,75 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký 38,4 triệu USD tập trung các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô; dịch vụ lưu trú...

Với mục tiêu đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và kinh tế, bao gồm đàm phán thương mại đa phương, nông nghiệp và kinh doanh nông sản, công nghệ sạch, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, giáo dục, hàng không và du lịch.

Kết thúc kỳ họp hai bên đã ký kết biên bản thông qua cam kết song phương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại Kỳ họp, lãnh đạo hai bên cũng hoan nghênh việc hoàn tất quá trình mở cửa thị trường đối với quả chanh và bưởi của Việt Nam, bí và dâu tây của New Zealand vào cuối năm 2022.

Để triển khai các bước tiếp theo trong việc đẩy mạnh xuất khẩu chanh và bưởi Việt Nam, Việt Nam cũng đề nghị cơ quan hai bên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Bộ Các ngành công nghiệp cơ bản New Zealand) phối hợp chặt chẽ, thông báo rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp hai nước về cơ hội xuất nhập khẩu này, đồng thời hướng dẫn chi tiết các quy trình, thủ tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước khai thác cơ hội mới.

Bên cạnh nội dung hợp tác song phương, hai bên đã trao đổi một số vấn đề hợp tác trong các khuôn khổ đa phương. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)