Nhiều tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Slovenia
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Slovenia đã tăng hơn 12 lần, từ 46,1 triệu USD (năm 2012) lên trên 573 triệu USD vào năm 2022.
Chiều 23/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp bà Tanja Fajon - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Slovenia cùng đoàn doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, hai bên đã điểm lại một số kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Slovenia trong thời gian qua. Hai bên cũng dành thời gian thảo luận các hoạt động được lên kế hoạch cho năm 2023, trong đó có Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Slovenia dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023 tại Slovenia.
Khóa họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Slovenia lần thứ 3 sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tajan Fajon đồng chủ trì.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù Slovenia là một nước nhỏ với hơn 2 triệu dân và cộng đồng người Việt ở Slovenia không nhiều nhưng kim ngạch thương mại với Việt Nam đạt gần 600 triệu USD/năm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Slovenia chưa cao song kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian qua đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc cả về lượng và chất.
Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 12 lần, từ 46,1 triệu USD (năm 2012) lên trên 573 triệu USD (năm 2022). Trong hai năm vừa qua, vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và bất ổn của nền kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai nước vẫn giữ vững đà tăng trưởng: năm 2021 tăng 38,3% so với năm 2020; năm 2022 tăng 14,8% so với năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tiềm năng và triển vọng trong hợp tác thương mại của hai nước thời gian tới còn rất lớn, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Slovenia không những không cạnh tranh mà còn có tính bổ sung cho nhau.
Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với những ngành hàng mỗi bên có thế mạnh như nông thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, gia dụng... của Việt Nam hay hóa chất, dược phẩm, các sản phẩm điện tử, máy móc của Slovenia.
[Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi Slovenia là một đối tác tiềm năng]
Thời gian tới, những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu đòi hỏi hai nước cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế, đặc biệt khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
Tại buổi gặp, bà Tanja Fajon bày tỏ hy vọng trong thời gian tới việc mở Lãnh sự quán Slovenia tại Việt Nam sẽ tạo ra động lực phát triển lớn đối với quan hệ song phương, đặc biệt đối với sự phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng đã dành thời gian gặp gỡ các công ty Slovenia. Điều đó thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định Slovenia luôn đánh giá Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, là thị trường Slovenia mong muốn phát triển hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, logistics và dược phẩm.
Slovenia có kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp của Slovenia đang dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển khí sinh học và quang điện. Các doanh nghiệp Slovenia cũng có thể cung cấp kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực vận chuyển năng lượng, logistics, dược phẩm, công nghệ cao và năng lượng tái tạo, đặc biệt là quang điện.
Tại buổi gặp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có cơ hội trao đổi, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp Slovenia trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics, vận tải đường biển.
Đây sẽ là bước mở đầu cho các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Slovenia vào năm 2024./.