Trà Vinh: Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản giảm gần 8.600 tấn

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Trà Vinh, cho biết sản lượng thủy sản của tỉnh đạt thấp là do mùa vụ nuôi tôm vùng nước mặn và lợ của tỉnh gặp bất lợi về thời tiết.

Thu hoạch tôm. (Ảnh: TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, 4 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh chỉ đạt hơn 48.150 tấn, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 8.600 tấn.

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết sản lượng thủy sản của tỉnh đạt thấp là do mùa vụ nuôi tôm vùng nước mặn và lợ của tỉnh gặp bất lợi về thời tiết.

Thời điểm đầu vụ thả tôm giống nuôi gặp nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm ảnh hưởng sự phát triển tôm nuôi và phát sinh dịch bệnh.

Ước tính trong 4 tháng, toàn tỉnh đã thiệt hại khoảng 42 triệu con tôm sú trên diện tích 262ha và 238 triệu con tôm thẻ chân trắng, diện tích 338ha. Hầu hết tôm chết trong giai đoạn từ 25-55 ngày tuổi, do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, bệnh đường ruột.

Do có nhiều diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, nên sản lượng tôm nuôi thu hoạch giảm mạnh; nông dân phải cải tạo lại ao hồ để tái vụ.

Cùng nuôi trồng thủy sản, việc khai thác thủy sản của tỉnh cũng rất nhiều khó khăn, nhất là đánh bắt hải sản trên biển. Hiện số lượng tàu công suất lớn đủ năng lực để đánh bắt xa bờ của tỉnh còn ít, chỉ chiếm khoảng 20% tổng số tàu cá của tỉnh.

Phần nhiều tàu cá đánh bắt thủy sản gần bờ sử dụng phương tiện, ngư cụ theo phương thức truyền thống, do thiếu nguồn vốn đầu tư để hiện đại hóa phương tiện nên hiệu quả đánh bắt rất thấp.

[Trà Vinh trao chứng nhận quốc tế và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu]

Tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 14.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác nội đồng chiếm hơn 2.110 tấn.

Theo ông Trần Trường Giang, để nâng sản lượng thủy sản đạt kế hoạch năm 2023, ngành nông nghiệp đã tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa địa bàn để phối hợp cùng chính quyền các địa phương vùng biển tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi thủy sản. Khuyến khích nông dân mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao; những hộ dân không đủ điều kiện khuyến khích thực hiện đa dạng con nuôi, để tăng thu nhập, góp phần đưa giá trị tăng thêm ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 5%/năm.

Đối với nghề khai thác thủy sản trên biển, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ ngư dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cao công suất tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại để nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt; vận động ngư dân tham gia vào các tổ hợp tác đánh bắt trên biển để có điều kiện đánh bắt nhiều ngày nhưng vẫn giảm chi phí, tăng hiệu quả khai thác thủy sản.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng Tư vừa qua tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 810 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm trước.

Về các thị trường, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng Tư vừa qua, khiến Mỹ rơi xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ./.

Phúc Sơn (TTXVN/Vietnam+)