Anh vẫn là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu của G7 sau Brexit

Theo tổ chức Resolution Foundation (Anh), xuất khẩu dịch vụ của Anh cao hơn 3,6 điểm % so với các nước giàu khác, cho thấy các nhà xuất khẩu dịch vụ của Anh dường như không bị ảnh hưởng bởi Brexit.

Anh vẫn là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu của nhóm G7 sau Brexit. (Nguồn: PA)

Theo phóng viên TTXVN tại London, sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit), Anh vẫn là một trong những nhà xuất khẩu dịch vụ hàng đầu trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mặc dù xuất khẩu hàng hóa của nước này giảm sút.

Phân tích của tổ chức Resolution Foundation (Anh) cho biết kể từ khi thỏa thuận hợp tác và thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào đầu năm 2021, xuất khẩu dịch vụ của Anh cao hơn 3,6 điểm % so với các nước giàu khác, cho thấy các nhà xuất khẩu dịch vụ của Anh dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Brexit.

So với thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ của Anh ít phụ thuộc vào EU hơn: xuất khẩu dịch vụ sang EU ở mức khoảng 36% so với tỷ lệ 47% xuất khẩu hàng hóa. Các công ty tư vấn và ngân hàng ở London được hưởng lợi từ sự phục hồi đặc biệt nhanh của Mỹ sau đại dịch COVID-19: xuất khẩu dịch vụ qua Đại Tây Dương tăng 43% so với năm 2018, năm cuối cùng trước khi các số liệu thương mại bị ảnh hưởng bởi Brexit và đại dịch COVID-19.

Lực lượng nhân sự "cổ cồn trắng" của Anh cũng đã thâm nhập vào một số thị trường nhỏ hơn, đặc biệt là các nền kinh tế mà nước này có quan hệ lịch sử như Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nigeria.

[Chuyên gia cảnh báo Brexit giáng đòn tiêu cực vào kinh tế Anh]

Số sinh viên Ấn Độ cao hơn số sinh viên từ EU: xuất khẩu du lịch liên quan đến giáo dục sang Ấn Độ tăng 435% kể từ năm 2018 với việc hai nước đạt thỏa thuận công nhận lẫn nhau về bằng cấp cũng như việc Anh áp dụng quy chế thị thực sau du học cho sinh viên. Saudi Arab cũng là một điểm sáng.

Trong năm 2022, Anh xuất khẩu dịch vụ trị giá khoảng 8 tỷ bảng (10,1 tỷ USD) sang vương quốc này, tăng 78% so với năm 2018.

Tuy nhiên, theo tờ the Economist, xuất khẩu sang EU là lý do lớn nhất giải thích cho tăng trưởng xuất khẩu của Anh. Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU vẫn chưa phục hồi mức năm 2019, xuất khẩu dịch vụ tăng 16%.

Thị trường dịch vụ châu Âu kém phát triển hơn so với thị trường hàng hóa, vì vậy không quá quan trọng hơn đối với các công ty dịch vụ so với các nhà sản xuất. Các công ty dịch vụ cũng tìm ra cách để né những xung đột thương mại.

Theo nghiên cứu sắp công bố của nhà kinh tế Martina Magli, kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, các công ty của Anh nhiều khả năng đã bán dịch vụ thông qua các chi nhánh thay vì trực tiếp. Từ năm 2018, xuất khẩu dịch vụ của Anh sang Luxembourg, một trung tâm nổi tiếng của các công ty "vỏ bọc", đã tăng hơn gấp đôi.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù cách bán dịch vụ gián tiếp có thể không kéo dài với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, cũng như chiến thuật này có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của các công ty theo thời gian./.

Minh Hợp (TTXVN/Vietnam+)