TPBank: Tỷ trọng CASA tăng 34%, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.000 tỷ đồng
Tỷ trọng CASA của TPBank trong năm 2023 tăng 34%, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.000 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần tăng gần 9%, lên mức 12.500 tỷ đồng, số lượng khách hàng mốc 12 triệu.
Trong một năm khó khăn của thị trường, bằng định hướng phát triển bền vững và phát triển xanh, TPBank đã cho thấy bản lĩnh mạnh mẽ, khả năng đứng vững trước thách thức với nhiều chỉ số tích cực.
Tỷ trọng CASA tăng 34%, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.000 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần tăng gần 9%, lên mức 12.500 tỷ đồng, đặc biệt là số lượng khách hàng tăng trưởng thần kỳ vượt mốc 12 triệu trong năm ngoái.
Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) ở mức 356.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm trước đó, vốn điều lệ tăng ở mức hơn 22.000 tỷ đồng. Sự gia tăng vững chắc về vốn đã cung cấp nền tảng tài chính mạnh mẽ, kết hợp quản trị rủi ro giữ cho tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III của TPBank ở mức 12,4% tính đến 31/12/2023, thuộc nhóm đầu của ngành, giữ vững nguyên tắc tăng trưởng cho vay và an toàn vốn.
TPBank nối dài chuỗi tăng trưởng khách hàng thần kỳ với 3,5 triệu tài khoản mở mới, nâng tổng số khách hàng phục vụ vượt mốc 12 triệu. Chỉ trong vòng 3 năm, với chiến lược ngân hàng số đi đầu và toàn diện, TPBank đã thu hút thêm hơn 8,6 triệu khách hàng, gấp đôi tổng số lượng khách hàng của cả 12 năm trước đó.
Thành quả này của TPBank không chỉ là minh chứng cho khả năng thu hút và giữ chân khách hàng mà còn là một bước tiến vững chắc trong việc tăng tỷ trọng nguồn vốn CASA chất lượng của ngân hàng. Từ đó, ghi nhận tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng 34%, vượt 47.000 tỷ đồng. Điều tiết tốt nhu cầu tăng trưởng huy động theo nhu cầu sử dụng vốn nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất, tổng huy động năm 2023 của ngân hàng đạt 316.500 tỷ đồng, tăng gần 9,5% và vượt kế hoạch năm.
Nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, TPBank cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng, gấp đôi so với 2022, ở mức hơn 3.900 tỷ đồng. Điều này cho thấy ngân hàng đã chủ động sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%, giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai.
Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.000 tỷ đồng, phần lớn đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 9,1%, lên mức 12.500 tỷ đồng. Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp/cá nhân trong giai đoạn hồi phục của nền kinh tế, TPBank đã tích cực giảm lãi vay cho các khách hàng hiện hữu, với tổng số tiền lãi giảm cả năm 2023 lên tới 1.950 tỷ đồng. Kết thúc năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đạt 5.600 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ ROE đạt trên 13,77%, tương đối cao trong bối cảnh nền kinh tế chững lại năm qua.
Thành công từ những sản phẩm nổi trội, xây dựng vững chắc vị thế trên thị trường
Với nhiều sản phẩm cho vay đa dạng trên nhiều phân khúc, dư nợ cho vay của TPBank vượt 217.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với năm 2022, vượt xa so với tăng trưởng bình quân toàn ngành. Điều này đến từ những đột phá trong phương thức cho vay, ứng dụng công nghệ hỗ trợ khách hàng trên mọi phân khúc.
Các gói vay đa dạng của TPBank được thị trường đón nhận thông qua các kênh liên kết, mang lại cho khách hàng trải nghiệm vay thông suốt và tiện lợi. Tính năng cho vay qua LiveBank đã nâng cao sự linh hoạt và tiện ích, giúp tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. TPBank cũng rất sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khan khi liên tục cập nhật chính sách lãi suất ưu đãi, thực hiện các biện pháp giảm lãi, giảm phí hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh mảng cho vay, sản phẩm thẻ của TPBank cũng tạo nên những bứt phá trên thị trường khi gần 1,5 triệu thẻ được mở mới, tổng giá trị giao dịch thẻ đạt khoảng 40.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng giao dịch chi tiêu qua thẻ TPBank VISA vượt mốc 1 tỷ USD, đưa ngân hàng lên vị trí top 3 về tăng trưởng doanh số giao dịch thẻ. Đặc biệt, tăng trưởng ấn tượng nhất đến từ doanh số giao dịch thẻ VISA Signature, đưa TPBank lên vị thế đầu ngành.
Năm 2023, TPBank tiếp tục ghi danh tại nhiều giải thưởng lớn trong đó TPBank lần thứ hai liên tiếp giữ vị trí đứng đầu Việt Nam trong danh sách "Ngân hàng vững mạnh nhất Châu Á Thái Bình Dương" của The Asian Banker.
Đặc biệt, 2023 là năm đầu tiên, TPBank góp mặt trong Bảng xếp hạng của Brand Finance với giá trị thương hiệu vượt qua con số 425 triệu USD, đưa ngân hàng lên vị trí Top 5 ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu cao nhất Việt Nam.
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR) xếp hạng TPBank là một trong 10 ngân hàng thương mại Việt Nam Uy tín, đồng thời là một trong số 4 ngân hàng tư nhân Uy tín nhất của năm 2023. TPBank đã liên tiếp giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng này 5 năm liên tiếp.
Sự công nhận của các tổ chức đánh giá và xếp hạng uy tín trong và ngoài nước đã khẳng định hành trình tiến bước vững vàng, phản ánh rất chính xác tương quan thị trường và là sự ghi nhận tốt nhất cho những nỗ lực không ngừng của TPBank trong thời gian qua, cho chặng đường 2024 và nhiều năm phát triển sắp tới./.