TP Hồ Chí Minh chia tách các nhóm dự án để giải ngân nhanh vốn đầu tư công

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Trung Kiên, đến hết ngày 25/10, tổng số vốn đầu tư của thành phố đã giải ngân là 17.272 tỷ đồng (đạt 21,8%), chưa đạt kế hoạch đề ra.

Thi công dự án nút giao thông An Phú. (Ảnh: Tiến Lực/ TTXVN)

Sáng 31/10, tại phiên họp kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Trung Kiên cho biết Sở đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chia tách các nhóm dự án để tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; trong đó tập trung công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án có số vốn lớn như rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc Kênh Đôi.

Theo ông Phạm Trung Kiên, đến hết ngày 25/10, tổng số vốn đầu tư của thành phố đã giải ngân là 17.272 tỷ đồng (đạt 21,8%), chưa đạt như kế hoạch đề ra. Qua rà soát, Sở đưa ra một số nhóm nguyên nhân chính khiến công tác giải ngân chưa đạt kế hoạch.

Đó là địa phương mới bổ sung số vốn đầu tư công trung hạn lớn, các dự án được bổ sung vốn mới chưa đến bước giải ngân. Kế đến là nhóm dự án vướng mắc do thay đổi các quy định pháp luật (Luật Đất đai, Luật Đấu thầu). Ngoài ra, thành phố còn một số dự án cần xin ý kiến các cơ quan Trung ương nên tốc độ giải ngân chưa đạt tiến độ…

Ông Phạm Trung Kiên chia sẻ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xem là nhiệm vụ cấp bách của thành phố trong những tháng cuối năm 2024. Hiện các sở, ngành đang nỗ lực triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần không tính bằng ngày mà hồ sơ đến là giải quyết ngay.

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố có nhiều văn bản chỉ đạo để thúc đẩy tiến độ; vận dụng áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết song song các thủ tục thay vì chờ thủ tục này xong mới triển khai thủ tục khác; siết chặt kỷ cương kỷ luật trong giải ngân đầu tư công, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn cản trở trong giải ngân đầu tư công…

“Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định danh mục các dự án quan trọng có số vốn giải ngân lớn trong năm 2024. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã phân công từng thành viên thường trực đi giám sát chỉ đạo cụ thể các dự án. Sở sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận và thúc đẩy các dự án trong các tháng cuối năm," ông Phạm Trung Kiên cho biết.

Ngoài các dự án đang thi công bị chậm tiến độ hoặc giải ngân chậm, việc giải ngân vốn đầu tư công của thành phố chưa đạt kế hoạch một phần do công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án lớn như dự án cải tạo và xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc Kênh Đôi chưa thực hiện được.

Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024, thành phố có 176 dự án, bố trí giải ngân trước tháng 9 là 21.000 tỷ đồng, tuy nhiên trong ba quý đầu năm chỉ giải ngân được 8,54%. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ tháng 8/2024 cũng tác động rất lớn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trong giải phóng mặt bằng.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung công tác bồi thường tại 84 dự án với tổng vốn 32.055 tỷ đồng trong tháng 11 và tháng 12. Cụ thể, tháng 11 thành phố đặt mục tiêu giải ngân tại 36 dự án với tổng vốn khoảng 7.700 tỷ đồng, trong đó có dự án lớn là bờ Bắc Kênh Đôi khoảng 5.100 tỷ đồng.

Trong tháng 12, thành phố đồng loạt giải ngân 48 dự án còn lại với tổng số vốn hơn 25.000 tỷ đồng. Mục tiêu là kỳ giải ngân cuối của năm 2024 sẽ đạt 95% như kế hoạch.

Thực tế hiện nay, một số công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giải ngân chậm dù dự án thực hiện ngoài công trường đạt kế hoạch. Tại dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh với 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính và 4 gói thầu phục vụ vận hành. Hiện 4 gói thầu khởi công tháng 6/2023 đã đạt 24,2%, 6 gói thầu khởi công đầu năm 2024 đạt tiến độ 10%.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đạt đúng tiến độ theo kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 19,5% do công tác hoàn thành hồ sơ phục vụ giải ngân chậm và một số hạng mục cần thời gian chờ nguồn cát như đường công vụ, xử lý đất yếu... nên chưa đủ điều kiện nghiệm thu. Dự án thành phần 2 đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hiện tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 9% so với kế hoạch giao trong năm.

Trong khi đó, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa có tổng vốn 4.800 tỷ đồng, dự án có 5 gói thầu xây lắp, tiến độ đạt 78% khối lượng. Dự án đang đảm bảo tiến độ thi công nhưng tỷ lệ giải ngân năm 2024 mới đạt 21,1% do công tác bồi thường, tái định cư chưa hoàn thành.

Dự án nút giao An Phú có tiến độ đạt 55% khối lượng, tỷ lệ giải ngân trong năm 2024 đạt 23%. Các đơn vị thi công tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ. Dự án đã lùi thời gian hoàn thành từ 30/4/2025 đến tháng 12/2025.

Nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) với nhánh hầm chui HC2 (bên trái) đã thông xe. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Một số công trình trọng điểm đang triển khai đúng tiến độ và tỷ lệ giải ngân đề ra như dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ có tiến độ thực hiện đạt 78% khối lượng; dự án mở rộng Quốc lộ 50 đảm bảo tiến độ thi công và tỷ lệ giải ngân đề ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết địa phương vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 7-7,5%. Do đó, thành phố tập trung các giải pháp trọng tâm để tiến tới mục tiêu này, đặc biệt là công tác giải ngân đầu tư công. Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp xuống từng dự án và nghe khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để tháo gỡ./.