Long An dành nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng
Trong thời kỳ 2021-2030, Long An đã xác định danh mục 14 dự án giao thông quan trọng ưu tiên đầu tư, bao gồm các dự án giao thông mang tính liên kết vùng và sáu trục động lực kinh tế.
Xác định rõ hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển, “lộ thông tài thông," tỉnh Long An luôn dành nguồn lực để triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt, hoàn thiện, kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược.
Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Long An được giao làm chủ đầu tư hai dự án thành phần, gồm dự án thành phần 7 thi công xây dựng có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng và dự án thành phần 8 giải phóng mặt bằng có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng.
Tỉnh Long An hiện đang tập trung nguồn lực, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch được giao.
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Long An đều đạt và vượt yêu cầu của Chính phủ, khối lượng thực hiện đạt trên 50%.
Địa phương phấn đấu sẽ cơ bản hoàn thành thông xe phần cao tốc trong tháng 10/2025 và toàn bộ dự án trong năm 2026; riêng phần nút giao cuối tuyến phần kết nối với dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ được thông xe vào cuối năm nay.
Sau khi hoàn thành, cùng với tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, dự án sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, mở ra một không gian mới thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía bắc huyện Bến Lức nói riêng và tỉnh Long An nói chung.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, cho biết song song với dự án đường Vành đai 3, Long An hiện đã hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi và gửi Thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trình cấp có thẩm quyền thông qua.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài dự kiến hơn 200km, qua địa phận tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu; riêng đoạn qua tỉnh Long An có chiều dài đoạn tuyến khoảng 78,3km. Đây cũng là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt đối với Long An nói riêng và các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với hai dự án trọng điểm quốc gia nói trên, Long An đang tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như đường Vành đai thành phố Tân An, đường ĐT.823D, ĐT.830E, ĐT.827E…; trong đó đường Vành đai thành phố Tân An đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các tuyến ĐT.823D, ĐT.830E,… đang được tập trung triển khai.
Riêng tuyến ĐT.827E (Quốc lộ 50B) được xác định là trục động lực kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang, địa phương sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục để phân kỳ đầu tư, thực hiện các đường dẫn và 3 cầu bắc qua sông Vàm Cỏ trong thời gian sắp tới; đối với phần đường sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án để triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, trong nhiệm kỳ này, địa phương dành nhiều nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng giao thông nhằm góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Riêng năm 2024, Long An phân bổ cho lĩnh vực giao thông gần 2.900 tỷ đồng, chiếm 58,23% tổng nguồn vốn phân bổ cho các dự án của tỉnh; trong đó, tập trung phân bổ cho các dự án giao thông quan trọng có tính lan tỏa và liên kết vùng như ĐT.823D (dự kiến hoàn thành năm 2024), ĐT.830E (dự kiến hoàn thành năm 2025); đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến hoàn thành năm 2025).
Những dự án giao thông trọng điểm nói trên sau khi hoàn thành sẽ khơi thông các điểm nghẽn về hệ thống vận tải, logistics, đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư so với các địa phương khác trong cả nước, phục vụ phát triển công nghiệp và tạo ra bước đột phá lớn về kinh tế của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An xác định mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hàng lanh kinh tế đô thị-công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Đến năm 2050, Long An sẽ là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Do đó, cùng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, Long An sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong thời kỳ 2021-2030, Long An đã xác định danh mục 14 dự án giao thông quan trọng ưu tiên đầu tư, bao gồm các dự án giao thông mang tính liên kết vùng và sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3-Vành đai 4 kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ-Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối sân bay Quốc tế Long Thành-cảng Long An; trục động lực quốc lộ 50B kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang; trục động lực song hành quốc lộ 62, kết nối thành phố Tân An-khu kinh tế cửa khẩu Long An-vùng Đồng Tháp Mười; trục động lực Mỹ Quý Tây-Lương Hòa-Bình Chánh kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây với vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và Thành phố Hồ Chí Minh; trục động lực quốc lộ N1 kết nối Long An với vùng Đồng bằng sông Cửu Long-vùng Đông Nam Bộ- vùng Tây Nguyên; trục động lực Đức Hòa kết nối Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hòa, Bến Lức với Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị, địa phương để tập trung nguồn lực thực hiện. Sau khi các dự án hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa; đồng thời, mở ra một không gian mới cho tỉnh Long An, liên kết chặt chẽ với các địa phương khác trong khu vực, từ đó, nâng cao năng lực, vị thế của Long An trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội./.