Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du bốn nước Trung Phi

Chuyến công du các nước Trung Phi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron diễn ra trong bối cảnh ông chủ Điện Elysee luôn khẳng định châu Phi là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Pháp tại Trung Phi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu chuyến công du tới bốn nước trong khu vực.

Ngày 1/3, nhà lãnh đạo Pháp đã tới thủ đô Libreville của Gabon và sau đó lần lượt đến các nước Angola, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo. Chuyến công du các nước Trung Phi của Tổng thống Macron diễn ra trong bối cảnh ông chủ Điện Elysee luôn khẳng định châu Phi là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai này.

Hồi tháng 7/2022, Tổng thống Macron cũng đã đến thăm Cameroon, Benin và Guinea-Bissau.

Trong bài phát biểu ngày 27/2 về chính sách của Pháp đối với châu Phi, Tổng thống Macron đã kêu gọi "mối quan hệ chung và có trách nhiệm" với lục địa gồm hơn 50 quốc gia này, trong đó bao gồm cả các vấn đề khí hậu. Ông đồng thời nhắc lại cam kết xóa bỏ các chính sách hậu thuộc địa trước đây tại "Lục địa Đen."

[Tổng thống Pháp lên kế hoạch tới châu Phi để nâng tầm ảnh hưởng]

Tổng thống Macron cũng cho biết quân đội Pháp sẽ giảm bớt sự hiện diện tại châu Phi trong những tháng tới. Hiện Pháp có hơn 6.000 binh sỹ đang thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ chống khủng bố tại châu Phi, được triển khai tại các nước Niger, Cộng hòa Chad, Senegal, Côte d'Ivoire, Gabon và Djibouti.

Dự kiến, trong ngày 2/3, Tổng thống Macron sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn rừng trên toàn thế giới, trong đó bao gồm cả khu vực dọc theo lưu vực sông Congo rộng lớn.

Trải rộng trên diện tích 1,62 triệu km2, các khu rừng ở Trung Phi được coi là "bể chứa carbon" lớn thứ hai của Trái Đất, sau rừng Amazon.

Các khu rừng ở Trung Phi rất đa dạng sinh học và lưu giữ cả dấu vết con người từng tới định cư thời sơ khai. Mặc dù vậy, nơi đây lại đang phải đối mặt các mối đe dọa như săn bắt trộm, phá rừng để lấy dầu cọ và cao su, khai thác gỗ và khoáng sản trái phép./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)