Burkina Faso hủy bỏ thỏa thuận hỗ trợ quân sự với Pháp

Theo Bộ Ngoại giao Burkina Faso, nước này đã đưa ra thông báo trước một tháng cho "sự rời đi của tất cả quân nhân Pháp đang phục vụ trong chính quyền quân sự Burkina Faso."

Binh sỹ Pháp tuần tra tại vùng Soum, miền Bắc Burkina Faso ngày 9/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 1/3, Burkina Faso tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hỗ trợ quân sự, ký kết hồi năm 1961 với Pháp. Động thái trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi Burkina Faso yêu cầu Đại sứ và quân đội Pháp rời nước này.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Burkina Faso đã thông báo cho Chính phủ Pháp về việc nước này "từ bỏ thỏa thuận hỗ trợ quân sự kỹ thuật đạt được tại Paris vào ngày 24/4/1961."

Thỏa thuận này được hình thành giữa Cộng hòa Thượng Volta mới độc lập, tên thường gọi là Burkina Faso, với Pháp. Đây là một trong những cơ sở pháp lý cho sự hỗ trợ của quân đội Pháp tại quốc gia vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn này.

Theo Bộ Ngoại giao Burkina Faso, nước này đã đưa ra thông báo trước một tháng cho "sự rời đi của tất cả quân nhân Pháp đang phục vụ trong chính quyền quân sự Burkina Faso."

Theo giới phân tích, động thái này đánh dấu mối quan hệ xấu đi giữa hai nước kể từ khi quân đội Burkina Faso lật đổ Tổng thống đắc cử hồi năm ngoái. Sự đổ vỡ này tương tự như quan hệ giữa Pháp với Mali - cũng đang do chính quyền quân sự điều hành.

[Pháp chính thức kết thúc các hoạt động quân sự tại Burkina Faso]

Tháng trước, lực lượng vũ trang Burkina Faso ra thông cáo cho biết Pháp đã chính thức kết thúc các hoạt động quân sự tại quốc gia Tây Phi này, sau lễ hạ cờ tại một doanh trại của đơn vị đặc nhiệm Pháp.

Hồi tháng 1, Chính phủ Burkina Faso đã đưa ra thời hạn 1 tháng để Pháp rút quân, sau khi chấm dứt thỏa thuận quân sự song phương cho phép Paris triển khai các lực lượng trên lãnh thổ của quốc gia Tây Phi để chống phiến quân Hồi giáo, với lý do nước này muốn được tự vệ.

Đây được coi là cột mốc mới trong cuộc chiến của Burkina Faso chống các nhóm thánh chiến liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - vốn chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn và khiến hàng triệu người phải sơ tán tại khu vực Sahel, phía Nam sa mạc Sahara./.

Nguyễn Tú (TTXVN/Vietnam+)