Tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, tránh tiếp tay cho việc phát tán tin giả
Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cảnh báo người dân cần hết sức tỉnh táo, xác thực các thông tin được chia sẻ thông qua các nguồn thông tin chính thống...
Lợi dụng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số tỉnh phía Bắc, đã xuất hiện trang cá nhân/Fanpage trên mạng xã hội mạo nhận là nạn nhân/người dân bị ảnh hưởng và Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, không đúng sự thật về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão gây ảnh hưởng đến dư luận.
Trả lời nội dung liên quan đến xử lý tin giả trong thời điểm bão số 3 tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 13/9, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: Trong thời gian diễn ra bão số 3, Bộ Thông tin và Tuyền thông đã chỉ đạo các cơ quan báo chí trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền.
Các cơ quan báo chí đã thông tin 24/24 giờ, cũng như cập nhật thông tin 1-2 giờ/lần về thông tin cảnh báo, cứu trợ của các cấp, ngành.Cũng trong thời điểm diễn ra bão số 3, cũng xuất hiện nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt.
Hệ thống xử lý tin giả của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã tiếp nhận nhiều thông tin về tin giả, tin sai sự thật. Hiện, 9 địa phương cũng đã hình thành hệ thống xử lý tin giả.
Ngoài ra, cổng thông tin các bộ, ngành, địa phương đã chủ động cung cấp thông tin về công tác phòng, chống bão lũ, cũng như bác bỏ các tin giả, tin đồn, tin sai sự thật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ 36 thông tin giả, thông tin sai sự thật; Tik Tok gỡ bỏ 51 thông tin sai.
Hệ thống xử lý tin giả cũng đã tiếp nhận 45 tin báo và đã phối hợp với ác cơ quan chức năng xử lý; đưa thông tin bác bỏ các thông tin giả, thông tin bịa đặt, sai sự thật.
Có thể kể đến việc xuất hiện Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.
Hay, Fanpage mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão. Cùng đó, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại các địa phương...
Hiện, lực lượng chức năng đã xác minh, làm rõ đối tượng giả mạo; đồng thời kịp thời tuyên truyền, đăng tải các thông tin chính thống về tình hình mưa lũ, các chỉ đạo; đăng thông tin cảnh báo về nội dung giả mạo trên Fanpage chính thống và Cổng Thông tin điện tử của địa phương...
Mỗi dịp thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, nhiều đối tượng lợi dụng để phát tán thông tin, người dân rất dễ cảm xúc, chia sẻ các thông tin này.
Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cảnh báo người dân cần hết sức tỉnh táo, xác thực các thông tin được chia sẻ thông qua các nguồn thông tin chính thống; xác minh từ chính quyền địa phương..., nếu không sẽ vô hình trung trở thành người phát tán các thông tin giả, thông tin sai sự thật, tham gia vào việc vi phạm pháp luật./.