Tín dụng tăng trưởng ổn định, lợi nhuận 3 quý của VPBank tăng 67%

Kết thúc 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt gần 13.900 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2023.

Tín dụng tăng trưởng ổn định, lợi nhuận 3 quý của VPBank tăng 67%. (Ảnh: Vietnam+)

Đi qua 3/4 chặng đường của năm 2024, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng hơn 67% so với cùng kỳ, với sự đóng góp của toàn hệ sinh thái. Ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng ổn định, đẩy mạnh hoạt động thu hồi nợ, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản.

Duy trì đà tăng

Kết thúc 9 tháng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt gần 13.900 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng mẹ, trong đó, đóng góp hơn 13.000 tỷ đồng, trong khi các công ty con tiếp nối đà tăng từ các quý trước.

Thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất của ngân hàng, theo đó, tăng gần 23% trong 9 tháng, đạt hơn 44.600 tỷ đồng. Ngân hàng riêng lẻ ghi nhận mức tăng hơn 26%, đạt 32.000 tỷ đồng, với thu nhập từ lãi là động lực tăng trưởng chính. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động (CIR) của ngân hàng mẹ, cùng với đó, được tối ưu ở mức 24% nhờ hoạt động số hóa và tự động hóa quy trình toàn diện.

Bức tranh kết quả kinh doanh 9 tháng của VPBank có dấu ấn không nhỏ của FE Credit khi quý 3 báo lãi gần 300 tỷ đồng. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ của công ty tài chính tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn lọc phân khúc khách hàng chất lượng, đẩy mạnh thu hồi nợ và tinh chỉnh bộ máy hoạt động.

Đáng chú ý, nỗ lực thúc đẩy thu hồi nợ và ứng dụng công nghệ số xuyên suốt cũng mang lại trái ngọt cho cả tập đoàn khi thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt hơn 3.200 tỷ đồng trong 3 quý, tăng hơn 90% so với cùng kỳ. Nhờ áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu đa dạng, tỷ lệ nợ xấu (NPL) theo Thông tư 11 của ngân hàng mẹ được giữ vững ở dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại thời điểm cuối quý 3, dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 581.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm và cao hơn trung bình ngành (8,5%). Tín dụng được giải ngân vào đa dạng phân khúc và ngành nghề trong nền kinh tế, với các sản phẩm chủ lực như cho vay mua ôtô, thẻ tín dụng...

Song hành cùng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ, tín dụng cốt lõi từ phân khúc tài chính tiêu dùng FE Credit tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với cuối năm, với doanh số giải ngân 9 tháng năm 2024 đạt mốc tương đương cả năm 2023, cho thấy nhu cầu chi tiêu của khách hàng đang dần quay trở lại.

Dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 581.000 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ bão Yagi vừa qua, VPBank đã triển khai chương trình giảm lãi suất vay lên tới 1%, nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô.

Hoạt động an toàn, hiệu quả

Đáp ứng nhu cầu vay tăng trưởng ổn định, huy động khách hàng và giấy tờ có giá của VPBank được điều tiết phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng, nhằm nâng cao hiệu quả bảng cân đối.

Ngân hàng tiếp tục tối ưu danh mục huy động từ khách hàng và đa dạng hóa nguồn vốn trung dài hạn quốc tế. Trong quý 3 vừa qua, VPBank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá lên tới 150 triệu USD, nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.

Chi phí vốn của ngân hàng riêng lẻ, theo đó, tiếp tục được tối ưu ở mức 4,1% trong Quý 3 và giảm hơn 2% so với cả năm 2023. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản như tỷ lệ LDR (82,3%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (24,6%) đều ở mức tốt so quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất đạt 15,7%, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành, tạo nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới./.