Đưa phân bón chịu thuế GTGT: Cách hỗ trợ từ gốc cho sản xuất nông nghiệp?
Theo Chủ tịch G.C Food, các sản phẩm liên quan đến giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp cần được tính toán kỹ để hài hòa, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân và người sản xuất nông nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa phân bón trở lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% để tránh hiệu ứng tăng giá sản phẩm, hỗ trợ từ gốc cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp.
Phân bón giá cao ăn mòn công sức người nông dân
Trước đây khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015 (Luật Thuế 71). Điều này vô hình là nguyên nhân khiến ngành phân bón gặp khó khăn hơn cả khi chịu thuế giá trị gia tăng kể từ sau năm 2014.
Thực tế đã chứng minh việc bỏ thuế giá trị gia tăng với phân bón nảy sinh nhiều bất cập, cụ thể khi mua nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ đầu vào, các doanh nghiệp đã phải nộp thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên, khi không áp thuế, phân bón đầu ra không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đã nộp ở đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất khiến giá phân bón cao hơn. Người nông dân là đối tượng tiêu thụ cuối cùng, chính là người chịu thiệt, phải chịu mức giá cao hơn trước.
Chia sẻ với vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) cho biết từ khi áp dụng Luật Thuế 71 đến nay, giá phân bón đã tăng đến 30%.
Trong đó, lý do từ chính sách là khi phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế, họ đã cộng tiền đó vào giá thành mặt hàng bán ra. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm, chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới sau chiến tranh Nga-Ukraine, giá phân bón tiếp tục tăng thêm.
Trong hai nguyên nhân trên, theo ông Hồng, việc đưa phân bón ra khỏi danh mục không chịu thuế tưởng lợi mà lại bất cập, làm tăng giá phân bón. Trong khi đó, phân bón là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng đối với người dân nông dân trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp.
“Trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau (0,1 ha) chỉ khoảng 300.000 đồng trong tổng số 1 triệu đồng bao gồm tất cả các chi phí đầu vào. Nhưng từ sau năm 2014, giá phân bón tăng đã khiến chi phí này đội lên gần 500.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón đã tăng 30-35% ăn mòn vào lợi nhuận của bà con nông dân,” Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng nêu số liệu dẫn chứng.
Ông Hồng lo ngại giá phân bón tăng cao và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu không có cơ chế, chính sách mới của Nhà nước sẽ khiến người làm nông nghiệp đuối sức, nhất là các hộ nhỏ lẻ.
Nhớ lại những thời điểm giá phân bón chịu thêm ảnh hưởng kép của biến động thế giới năm 2022, ông Hồng cho biết, nhiều hộ nông dân ở thôn Bắc Hồng đã phải dừng sản xuất, chuyển sang đi làm thuê mướn các công việc khác, vì giá thành bán rau ra không đủ bù chi phí đầu vào, nhất là tiền mua phân bón, trong khi đầu ra của sản xuất nông nghiệp vốn đã bấp bênh.
Một điểm bất cập khác theo ông Hồng, là từ sau năm 2014, các doanh nghiệp phân bón phải tiết kiệm chi phí nên cũng giảm các chương trình hỗ trợ bà con về giá bán, hay các hoạt động khảo nghiệm cánh đồng. Do đó các hộ sản xuất nông nghiệp cũng thiệt thòi hơn so với trước.
Hệ lụy tiếp theo của giá phân bón tăng từ sau năm 2014, ông Hồng quan sát thấy vấn nạn phân bón giả tăng theo nhiều vô kể. Người nông dân khi muốn tiết giảm chi phí sẽ thấy phân bón nào rẻ hơn là ưu tiên dùng, do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý đó tạo ra những sản phẩm kém chất lượng hơn, trộn nguyên liệu giả vào.
Theo ông Hồng, việc đưa phân bón quay trở lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% sẽ tạo thuận lợi lớn cho sản xuất nông nghiệp. Khi giá phân bón giảm, lợi nhuận của người nông dân, người sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên. Những hộ sản xuất lớn sẽ nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người làm nông nghiệp yên tâm hơn vào đầu tư sản xuất
Ông Hồng bộc bạch “tâm lý của người nông dân luôn muốn ưu tiên dùng các sản phẩm phân bón do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Phần vì tâm lý “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” phần vì chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, nhất là những sản phẩm vi sinh, vô cơ tiên tiến mới, nhưng dĩ nhiên là mong muốn giá bán giảm đi và ổn định hơn.”
“Tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước, các bộ, ngành hỗ trợ nông dân, nông nghiệp các chính sách từ gốc, tiêu biểu là có cơ chế giảm giá thành đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các công cụ máy móc nông nghiệp, đầu tư cho bảo quản chế biến sau thu hoạch. Những chính sách này rất hữu ích, thiết thực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp,” Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng nhấn mạnh.
Hỗ trợ người nông dân qua chính sách thuế giá trị gia tăng
Từ góc nhìn của doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân trồng nha đam khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) cũng cho rằng, cần đưa phân bón trở lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% để hỗ trợ bà con về giá thành.
Quan sát thực tế kinh doanh, ông Thứ cho biết, doanh nghiệp mong muốn có thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra cho mặt hàng phân bón để tránh cơ chế 2 giá cho cùng mặt hàng. Giá người nông dân mua hàng không có thuế giá trị gia tăng trong khi doanh nghiệp mua lại có thuế, dẫn đến sự không đồng nhất trong chính sách thuế.
Trong thời gian tới, Nhà nước định hướng sản xuất kinh tế nông nghiệp, tức là tạo ra hàng hóa phục vụ thương mại, không chỉ để tiêu dùng. Do đó, phân bón là đầu vào của kinh tế nông nghiệp, nên mặt hàng này cần được áp thuế giá trị gia tăng.
Trong trường hợp doanh nghiệp nông nghiệp mua hàng chịu thuế, nông dân không chịu thuế, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ hình thành 2 cơ cấu giá bán, trong đó người nông dân phải chịu mua giá bất lợi hơn để bảo đảm bù đắp lợi nhuận của họ.
Bởi doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp mua phân bón được tính giá trị gia tăng, còn người nông dân thì không. Trong khi đó, doanh nghiệp và người nông dân đều mua phân bón để phục vụ sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm nông nghiệp để bán lại.
“Bản chất đây là thuế gián thu, doanh nghiệp phân bón thu của nông dân nộp lại cho Nhà nước nên khi phân bón không được áp thuế giá trị gia tăng đầu vào, nông dân sẽ phải mua với giá thiệt hơn vì giá thành phân bón đã cộng phần thiếu hụt giá trị gia tăng của doanh nghiệp phân bón, nhưng vì nông sản bán ra không có thuế giá trị gia tăng nên không được hoàn lại. Còn doanh nghiệp khi tiêu thụ nông sản có thuế giá trị gia tăng đầu ra, do đó khi được hoàn thuế sẽ có chi phí để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào. Điều này gây thiệt thòi cho người nông dân rất nhiều,” ông Thứ phân tích.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị G.C Food, các sản phẩm liên quan đến giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp cần được Nhà nước, Bộ Tài chính tính toán kỹ để hài hòa, bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân nói riêng và người sản xuất nông nghiệp nói chung, tránh tình trạng từ sản xuất có lời nhưng vì chính sách thuế mà trở thành thua lỗ.
“Chính sách thuế giá trị gia tăng 0% với phân bón thời gian qua là một trong những yếu tố làm tăng giá phân bón, gây thiệt thòi chung cho những người sản xuất nông nghiệp. Nhất vào những thời điểm giá phân bón bị tác động thêm của những yếu tố kinh tế-chính trị thế giới đã làm suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp,” ông Thứ nhìn nhận.
Theo tính toán của G.C Food, chi phí phân bón hiện đang chiếm 10-30% tổng chi phí sản xuất, là tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành của sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân.
Doanh nghiệp phân bón tính toán giá thành bán hàng dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất. Do vậy, theo ông Thứ, cơ chế hay nhất là các nhà sản xuất phân bón cần minh bạch thông tin liên quan đến thuế, chi phí đầu vào và việc tăng giá căn cứ cụ thể vào các yếu tố này để có giá bán hợp lý, nhất là đối với các doanh nghiệp phân bón quy mô lớn./.