Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chủ trì giao ban với một số hội quần chúng
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh các hội cần tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức thực hiện sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả chủ trương, chính sách liên quan đến hội, nhất là Quy chế về tổ chức, hoạt động.
Ngày 10/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chủ trì giao ban với một số hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương và một số cơ quan liên quan.
Góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội
Trong 6 tháng cuối năm 2023, tình hình các hội quần chúng cơ bản ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, củng cố, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các hội tích cực quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, triển khai Quy chế tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; tạo tâm lý an tâm, phấn khởi cho cán bộ, hội viên, tạo khí thế mới cho công tác hội.
Cùng với đó là đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của hội; đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua, cuộc vận động.
Công tác vận động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hoạt động hội và tham gia công tác an sinh xã hội cũng được thực hiện tích cực.
Tiếp tục quan tâm phát triển hội viên, kiện toàn tổ chức, cán bộ, kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời, một số hội đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ. Một số hội tích cực chuẩn bị cho công tác đại hội nhiệm kỳ vào các năm 2025, 2026.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của một số hội vẫn còn chậm; tâm lý trông chờ vẫn còn lớn; tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động có mặt còn hạn chế, chưa thu hút đông đảo hội viên.
Một số hội hoạt động còn khó khăn, chưa thực sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa thành các đề án, dự án, kế hoạch công tác; chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cán bộ, hội viên. Hiệu quả hoạt động cơ quan lãnh đạo một số hội chưa cao; việc quy tụ, đoàn kết còn hạn chế; quản lý quỹ, cơ sở vật chất, pháp nhân trực thuộc chưa chặt chẽ.
Công tác đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc còn hạn chế. Một số ít cán bộ, hội viên có hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý...
Tăng cường liên kết, hợp tác phát huy tiềm năng, thế mạnh
Phát biểu kết luận tại hội nghị giao ban, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, thời gian tới, các hội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung.
Cụ thể, các hội tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ của hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, tạo hiệu ứng tích cực trong hệ thống hội và lan tỏa rộng ra xã hội.
Các hội tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức thực hiện sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả chủ trương, chính sách liên quan đến hội, nhất là Quy chế về tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng vừa ban hành.
Các hội bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hội; thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung quy chế, quy định; kiện toàn tổ chức, cán bộ, nhất là các cơ quan lãnh đạo, người đứng đầu hội.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ, các hội tăng cường liên kết, hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh; tham gia tích cực và có đóng góp xứng đáng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động đối ngoại nhân dân...
Cùng với đó, các hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng nêu cao tính chủ động, sáng tạo; chủ động tham mưu, đề xuất chính sách, tư vấn, phản biện xã hội; tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động hội và chăm lo, giúp đỡ hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn, cao tuổi, yếu thế.
Các hội đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hoạt động hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước; giữ gìn đoàn kết nội bộ; quan tâm công tác nội bộ, nắm chắc diễn biến tư tưởng cán bộ, hội viên; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết bất đồng, mâu thuẫn, khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt./.