Đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy chợ trong thời gian qua?

Theo lực lượng chức năng, 80% số vụ cháy chợ xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ, trên 70% vụ cháy chợ do sự cố hệ thống điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn.

Hiện trường vụ cháy chợ Tam Bạc ở Hải Phòng hồi tháng 2/2023. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Trong năm 2023 vừa qua, trên cả nước đã xảy ra một số vụ cháy chợ như vụ cháy chợ Tam Bạc (phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) ngày 12/2; vụ cháy chợ trung tâm huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vào sáng 7/5, vụ cháy chợ Khe Tre, trung tâm huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào rạng sáng 3/12.

Mới đây, vụ cháy xảy ra vào ngày 31/12/2023 tại chợ Châu Long, thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, chuyên bán quần áo may sẵn, giày dép… đã qua sử dụng, thiêu rụi toàn bộ 286 kiốt của hơn 110 hộ tiểu thương.

Vậy nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy chợ là gì?

70% vụ cháy chợ do sự cố hệ thống điện

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ, hiện nay, trên toàn quốc có 1.738 chợ, trong đó 1.260 chợ kiên cố; 375 chợ bán kiên cố và 103 chợ tạm.

Các chợ thường được xây dựng với diện tích lớn, bố trí nhiều kiốt, sạp hàng liền kề, kinh doanh đa dạng các mặt hàng, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy, nổ.

Trong quá trình hoạt động, do ý thức chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy của đơn vị quản lý, người kinh doanh và người dân chưa cao nên phát sinh nhiều tồn tại, vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, dễ xảy ra cháy lớn, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 11/2023, cả nước xảy ra 69 vụ cháy chợ dân sinh, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 190 tỷ đồng. Riêng 11 tháng của năm 2023, cả nước xảy ra 22 vụ cháy chợ, gây thiệt hại trên 70 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là thiệt hại trực tiếp, nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng an sinh xã hội, ngừng trệ buôn bán, chi phí khắc phục hậu quả… thì thiệt hại sẽ gấp khoảng 3 lần.

Đáng lưu ý, có đến 80% số vụ cháy chợ xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ, trên 70% vụ cháy chợ do sự cố hệ thống điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng.

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp tăng cường công tác an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chợ như tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, phát động phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đặc biệt là xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy…

Tuy nhiên, cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động, không khắc phục đầy đủ các kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy dẫn đến công tác phòng cháy chữa cháy chợ vẫn còn nhiều vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy.

Hiện trường vụ cháy chợ Khe Tre ở Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN phát)

Ở một số nơi, ban quản lý chợ tự ý xây dựng thêm hạng mục công trình, cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của khu vực, hạng mục trong chợ như không phân chia thành các khu vực riêng bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy mà bố trí ngành hàng kinh doanh hàng chất dễ cháy, nổ ở gần hoặc đan xen với khu vực kinh doanh hàng hóa khác nên khi xảy cháy, đám cháy lan rất nhanh, thiêu rụi hàng hóa, tài sản của các hộ kinh doanh.

Cũng có nơi người dân lấn chiếm đường giao thông dành cho việc chữa cháy làm nơi để ôtô, xe máy; lắp đặt mái nối giữa các khối nhà, mái che, mái vảy để tập kết, kinh doanh hàng hóa… làm cản trở đường giao thông dành cho việc chữa cháy, mất khoảng cách chống cháy lan.

Không chỉ vậy, việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn hạn chế, chưa đáp ứng quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (không bảo đảm nguồn nước cấp cho việc chữa cháy; không trang bị hệ thống chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động...) hoặc đã trang bị nhưng không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng, không sử dụng được khi có cháy.

Việc lắp đặt và sử dụng hệ thống, thiết bị điện chưa bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định; không được bảo trì, sửa chữa định kỳ dẫn đến xuống cấp, thiếu đồng bộ; không tách riêng nguồn điện chiếu sáng, bảo vệ, chữa cháy. Bên cạnh đó, có tình trạng các tiểu thương tự ý câu mắc thêm dây dẫn, thiết bị tiêu thụ làm tăng phụ tải; lắp đặt bảng điện, dây dẫn đặt trực tiếp trên cấu kiện, vật liệu dễ cháy..., để hàng hóa gần, đè lên ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện... tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Việc thành lập và tổ chức hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và thiết bị bảo hộ cá nhân cho đội viên còn chưa bảo đảm số lượng theo quy định; chưa thực hiện phân công cụ thể nhiệm vụ và kiểm tra giám sát, dẫn đến hoạt động mang tính hình thức, không xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ.

Tại các kiốt, kho chứa, có tình trạng người kinh doanh bố trí, sắp xếp hàng hóa vượt quá số lượng quy định, không bảo đảm yêu cầu ngăn cháy lan, lấn chiếm đường, lối ra thoát nạn, cửa thoát nạn; kinh doanh trái phép hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đun nấu tại khu vực kinh doanh không bảo đảm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy.

Phòng chống nguy cơ cháy chợ trong mùa hanh khô, dịp Tết

Để tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ, nhất là vào mùa hanh khô, dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ khuyến cáo các đơn vị, cá nhân cần thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng cháy chữa cháy.

Cụ thể, Ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và duy trì công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chợ; bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy chữa cháy hằng năm, duy trì hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chợ.

Hiện trường vụ cháy chợ tạm ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 24/5/2023. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Đơn vị quản lý chợ cần thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, vận động người kinh doanh trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thô sơ để người kinh doanh nắm được và chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ.

Ban quản lý chợ cũng cần bố trí khu vực để xe của người dân, khu vực xuất, nhập hàng hóa; khu vực bán hàng riêng theo từng nhóm mặt hàng kinh doanh có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác nhau để loại trừ nguy cơ cháy, nổ; trang bị bổ sung, thay thế các phương tiện phòng cháy chữa cháy đã hư hỏng và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Cùng với đó, Ban quản lý chợ phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, thay thế khi hệ thống, thiết bị điện có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; cần tách riêng nguồn điện kinh doanh, chiếu sáng và phòng cháy chữa cháy; quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện tại các hộ kinh doanh, không để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn sử dụng điện.

Các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ cũng cần chấp hành nghiêm nội quy, quy định an toàn phòng cháy chữa cháy chợ; tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy hằng ngày tại khu vực, phạm vi quản lý; không để hàng hóa lấn chiếm đường, lối thoát nạn và giữa các ki ốt trong khu vực kinh doanh, trong kho chứa.

Các cá nhân, tổ chức kinh doanh tuyệt đối không tàng trữ, kinh doanh trái phép hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ; tự ý câu mắc, lắp đặt dây dẫn, sử dụng thêm các thiết bị điện khi không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong khu vực kinh doanh, kho chứa theo quy định./.