Thường trực Ban Bí thư: Nâng cao hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh công tác văn thư, lưu trữ có vai trò rất quan trọng, là điểm đầu và cũng là điểm cuối của quá trình giải quyết công việc.
Ngày 26/10, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Toàn quốc Công tác Văn thư, Lưu trữ Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự hội nghị còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng, cùng đại diện các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và các địa phương.
Phát biểu khai mạc, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Phương Thanh cho biết những năm qua, công tác văn thư, lưu trữ Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội vẫn luôn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra tại Hội nghị Toàn quốc năm 2017 và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức.
Các cơ quan, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực triển khai, thực hiện nghiêm túc Luật Lưu trữ, Quy định số 270-QĐ/TW, ngày 06/12/2014 của Ban Bí thư về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ; về bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác văn thư, lưu trữ của Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ thu thập, quản lý tập trung, thống nhất Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam; tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ nhằm tổ chức, quản lý và bảo quản một cách khoa học và tuyệt đối an toàn tài liệu; chủ động công bố, giới thiệu và tăng cường phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nghiên cứu, sử dụng tài liệu...
Hơn 5 năm qua, công tác văn thư, lưu trữ Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mà Hội nghị năm 2017 và Đề án Phát triển Công tác Văn thư, Lưu trữ đã xác định.
Các cơ quan, tổ chức đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các quy định của Đảng và Nhà nước về văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác văn thư, lưu trữ; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, với việc lần đầu tiên ban hành Đề án Phát triển Công tác Văn thư, Lưu trữ, đã định hướng dài hạn cho sự phát triển công tác văn thư, lưu trữ Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã lập được 13.021 hồ sơ, một số cơ quan, tổ chức đã ban hành danh mục hồ sơ và thực hiện nền nếp việc lập hồ sơ theo danh mục hồ sơ. Các cơ quan, tổ chức ở địa phương đã lập được 750.970 hồ sơ công việc…
[Luật Lưu trữ sẽ bổ sung quy định để phát huy giá trị tài liệu tư nhân]
Phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh công tác văn thư, lưu trữ có vai trò rất quan trọng đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; là điểm đầu và cũng là điểm cuối của quá trình giải quyết công việc, là bộ phận không thể thiếu để bảo đảm hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức. Trong 6 năm qua, công tác văn thư, lưu trữ đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua những con số rất sinh động.
Kết quả đó là sự nỗ lực trực tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ văn thư, lưu trữ; đồng thời cũng là kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đã ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn thư, lưu trữ vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu, bà Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, nhất là các đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức được giao nhiệm vụ văn thư, lưu trữ tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quán triệt đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng của của công tác văn thư, lưu trữ.
Bà Trương Thị Mai đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng sớm triển khai nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương “Hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng bảo đảm khoa học, thực tiễn, hệ thống, chặt chẽ," “Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương” theo tinh thần Nghị quyết 28 -NQ/TW về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Với yêu cầu đặc thù của các cơ quan Đảng, nhất là các cơ quan tham mưu chiến lược, cần chú trọng khắc phục thật tốt những tồn tại, hạn chế trong quản lý và xử lý văn bản; tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng, bảo mật thông tin; tổ chức sưu tầm tài liệu về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam với các nước, hoạt động của các lãnh tụ tiền bối của Đảng, đồng thời cần xử lý dứt điểm tình trạng tài liệu tồn đọng...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập hồ sơ; thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác văn thư, lưu trữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ…/.