‘Không có phương tiện giao thông công cộng nào rẻ như đi xe buýt’
Xe buýt của Hà Nội hiện vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực của Thủ đô và việc điều chỉnh tăng giá vé nhằm giảm trợ giá từ ngân sách thành phố.
Liên quan đến việc Hà Nội đề xuất điều chỉnh giá vé xe buýt vào thời điểm đầu năm 2024, các chuyên gia giao thông cho rằng đây là điều cần thiết để giảm ngân sách trợ giá. Ngoài ra, mức tăng đề xuất vẫn phù hợp với chi trả của người dân.
Vì sao phải tăng giá vé?
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, với giá vé lượt, cự ly dưới 15km có mức điều chỉnh thấp nhất, từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25km, từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30km, từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40km, từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40km là từ 9.000 lên 20.000 đồng. Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Trong đó, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng).
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh theo hướng tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng từ năm 2014 đến nay, thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân.
Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Cụ thể, đơn giá vận hành 1km trung bình của 3 loại xe buýt thông thường là 21.080 đồng (tương đương tăng 46,95% so với năm 2014). Các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn nhiều so với loại buýt thường (buýt điện là 27.929 đồng, tăng 62% so với buýt thường năm 2014; buýt CNG là 21.821 đồng, tăng 48,6% so với buýt thường năm 2014).
Ngoài ra, qua một số khảo sát cho thấy, khả năng chi tiêu tối đa cho nhu cầu đi lại khoảng 10%. Vì vậy khả năng chi trả trung bình cho nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội hiện nay khoảng trên 800.000 đồng/tháng nên việc điều chỉnh giá vé xe buýt hiện nay là phù hợp và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.
Trong trường hợp tiếp tục giữ nguyên giá vé từ năm 2014, trong thời gian tới khả năng cân đối ngân sách khá lớn để trợ giá chi cho hoạt động vận tải hành khách công cộng gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là chi cho việc đầu tư đổi mới phương tiện năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ.
[Đề xuất điều chỉnh tăng giá vé xe buýt có trợ giá của Hà Nội]
Đánh giá về tác động khi tăng giá vé xe buýt như trên, phía Sở Giao thông Vận tải cũng đưa ra nhận định khi phương án này được áp dụng vào thực tế sẽ tác động không lớn đến hành khách đi xe buýt, đặc biệt là khách vãng lai đi lại không thường xuyên sử dụng vé lượt, mặc dù sản lượng giảm nhẹ nhưng doanh thu lại tăng thêm.
“Do đó, việc áp dụng giá vé xe buýt từ năm 2014 là không còn phù hợp và việc điều chỉnh giá vé xe buýt tại thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách của thành phố,” ông Thường nhấn mạnh.
Mức tăng phù hợp với chi trả người dân
Ủng hộ phương án điều chỉnh tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) cho rằng qua những lần cơ cấu lại giá vé buýt, người dân không quan tâm đến về giá vé vận tải mà là độ tiện lợi của loại hình này.
“Mức giá vé hiện đang áp dụng từ năm 2014 mà chưa điều chỉnh, trong khi các yếu tố đầu vào về nhiên liệu, lương người lao động đã có sự gia tăng đáng kể. Ngân sách thành phố không thể ‘gánh’ được thêm thì phải bắt buộc phải tăng giá vé đề bù đắp,” ông Thông nói.
Vị Chủ tịch HAPTA cũng lưu ý mức điều chỉnh giá vé làm sao cho chi phí việc đi lại không vượt quá 10% thu nhập của người dân. Như vậy, điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ chỉ tác động đến người đi lại vãng lai; còn học sinh, sinh viên thì vẫn có trợ giá để thu hút người dân đi xe buýt.
[Chất lượng dịch vụ vận tải xe buýt Hà Nội ngày càng được cải thiện]
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết đa số người dân sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt. Đơn cử như cự ly tuyến dưới 15km chỉ tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng thì mức tăng này khiêm tốn, cũng là rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác, không phải là mức tăng lớn, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân.
Ông Bình cũng nhận định có lẽ năm 2020 cũng phù hợp để Hà Nội tăng giá vé buýt nhưng do dịch COVID-19 nên cơ quan quản lý Nhà nước không thể tiến hành tăng giá được mà phải lùi đến thời điểm này.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải đánh giá mức giá xe buýt, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội đang tốt hơn so với các tỉnh khác. Hiện ở Hà Nội vé tháng đi xe buýt với giá 200.000 đồng nhưng ở một số tỉnh lân cận mức giá tháng lên tới 300.000-400.000 đồng.
“Ngồi trên xe buýt giờ thấp điểm cũng không quá khác biệt nhiều so với taxi, nhưng lại rẻ hơn rất nhiều nên mức tăng này là chấp nhận. Hơn nữa, mức tăng giá vé cũng không quá cao để người dân phải quay lưng lại với dịch vụ này,” bà Thủy nhấn mạnh.
Để thu hút người dân đi xe buýt, theo ông, thành phố phải tính toán sự tiếp cận được thuận lợi, nâng tốc độ chạy xe buýt, đảm bảo đúng giờ, trong đó cần thiết phải có đường dành riêng xe buýt (như BRT) cưỡng bức bằng dải phân cách cứng làm bằng vật liệu mềm, xử phạt nguội vi phạm.
“Vận tải hành khách công cộng mà tốc độ thấp hơn xe máy là thất bại hoàn toàn và khó có thể ‘lôi kéo’ người dân chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, kéo theo ùn tắc giao thông do gia tăng xe cá nhân,” ông Thông chia sẻ.
Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng kiến nghị thành phố sớm ban hành bộ tiêu chí và đơn giá định mức kinh tế-kỹ thuật cho các doanh nghiệp sử dụng phương tiện sạch, công nghệ mới (CNG, buýt điện, Metro), cũng như sửa đổi bổ sung cập nhật bộ tiêu chí buýt phải tính đúng, đủ cho phù hợp bởi hiện vẫn đang áp dụng từ năm 2017./.