Thuế và nền tài chính lành mạnh: Hành trình kiến tạo tăng trưởng bền vững
Hành trình kiến tạo một nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững của đất nước luôn gắn liền với vai trò quan trọng của chính sách thuế.
Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, ngành Thuế đã thành công trong việc cân bằng giữa hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đạt mức kỷ lục 1,7 triệu tỷ đồng đồng thời gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế được hưởng chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế.
Thu ngân sách Nhà nước vượt 16,5% dự toán
Tại Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững," do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp cùng Báo Lao Động tổ chức, ngày 18/12/2024, các bên cùng thảo luận, phân tích và đề xuất giải pháp tối ưu hóa chính sách thuế, hướng tới nền tài chính bền vững cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của hội thảo là thông tin về tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 do Cơ quan Thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên số thu ngành thuế quản lý vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng.
Kết quả ấn tượng này cho thấy sự hiệu quả của chính sách thuế trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo của ngành, tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, đạt 86,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 (8,3 triệu tỷ đồng). Trong đó, tổng thu ngân sách Nhà nước do Cơ quan Thuế quản lý luỹ kế giai đoạn 2021-2024 ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,6%/năm.
Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2025 là thời kỳ đầy biến động với đại dịch COVID-19 và những biến động địa chính trị toàn cầu tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, Chính phủ, ngành thuế và các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai các chính sách thuế linh hoạt, cân bằng giữa việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí, tổng số tiền gần 730.000 tỷ đồng.
Từ kết quả trên, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế, tiếp tục khẳng định ngành Thuế dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục lấy mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm, bám sát tình hình kinh doanh để nắm rõ “sức khỏe” doanh nghiệp, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ, trở thành người bạn đồng hành với người nộp thuế. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước, hoàn thành toàn diện các mục tiêu ngành Tài chính đề ra.
Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, ngành Thuế cũng đạt được những bước tiến đáng kể trong công tác hiện đại hóa, chuyển đổi số. Thời gian qua, ngành Thuế đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, ngành Thuế đã đơn giản hóa thủ tục hành chính từ 304 xuống còn 235 thủ tục, tiết kiệm gần 600 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế. Theo đó, 122/235 thủ tục hành chính đã được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử và 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử. Bên cạnh đó, dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân (hoạt động cho thuê tài sản, khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy) đã đạt gần 50% tổng số tờ khai.
Đặc biệt khi ứng dụng eTax Mobile ra mắt năm 2022 đã hỗ trợ người nộp thuế cá nhân qua điện thoại với gần 2,2 triệu lượt cài đặt, trên 3,5 triệu giao dịch ngân hàng, tổng số tiền nộp thành công 7.761 tỷ đồng. Và, năm 2023 đánh dấu việc ứng dụng Big Data và AI trong quản lý hóa đơn, giúp phát hiện, cảnh báo và ngăn ngừa gian lận hóa đơn, hoàn thuế, trốn thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Ngành Thuế cũng liên tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ người nộp thuế kê khai, nộp thuế điện tử mọi lúc, mọi nơi.
Về mở rộng cơ sở thuế, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc mở rộng nguồn thu trên môi trường điện tử, bắt kịp xu hướng kinh tế số. Báo cáo từ Cơ quan Thuế, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử đã tiếp nhận thông tin của hơn 1,8 triệu doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh từ 435 sàn. Kết quả thu từ thương mại điện tử từ năm 2022 đến 2024 ước đạt gần 300 nghìn tỷ đồng.
Nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế
Hội thảo là dịp để các diễn giả chia sẻ đánh giá, kiến nghị về chính sách thuế. Theo ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin-Tổng cục Thuế, ngành thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
“Với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng đạt kết quả tốt, được Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp và người dân ghi nhận,” ông Toàn nói.
Đánh giá cao công tác chuyển đổi số trong ngành Thuế là một phần quan trọng của chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ số (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ ra những điểm mạnh của ngành Thuế, như lộ trình chuyển đổi số cụ thể, việc áp dụng hóa đơn điện tử, triển khai hệ thống eTax và ứng dụng Big Data. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những hạn chế về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và trải nghiệm người dùng, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục.
Tại hội thảo, ông Noguchi Daisuke, chuyên gia JICA (Nhật Bản) cho biết hệ thống khai thuế điện tử nhằm nâng cao tiện ích cho người nộp thuế đạt mức độ không thua kém so với các hệ thống thuế điện tử của các quốc gia khác, đóng góp lớn vào việc thúc đẩy kinh doanh toàn cầu.
“Tại Nhật cũng có hệ thống eTax cho phép khai thuế và nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, việc cung cấp cổng thông tin trực tuyến cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thương mại điện tử đăng ký, khai báo và nộp thuế trực tiếp như tại Việt Nam là một bước đột phá chưa từng có ở Nhật Bản,” ông Noguchi Daisuke nói.
Đặc biệt, ông Noguchi Daisuke cho rằng từ năm 2024, Cục Thuế thành phó Hà Nội đã triển khai trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, một hệ thống đột phá sử dụng AI và dữ liệu lớn (Big Data). Và, Nhật Bản cũng có các nhân vật trợ lý ảo tương tự, nhưng thời gian triển khai chưa lâu.
Đánh giá cao sự phát triển vượt bậc trong quản lý thuế của Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai hệ thống thuế điện tử và nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Noguchi Daisuke cho rằng việc thúc đẩy chuyển đổi số sâu hơn nữa, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng mạng lưới hành chính thuế sẽ là “chìa khóa” cho tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ghi nhận những nỗ lực của ngành Thuế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cũng chỉ ra những vướng mắc trong thủ tục hành chính, áp dụng chính sách và ứng dụng công nghệ số. Theo đó, lãnh đạo của VCCI đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể là tăng cường minh bạch, có hướng dẫn cụ thể và triển khai chính sách thuế đơn giản, tăng cường đối thoại và tham vấn. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, như có các chính sách đặc thù về miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp.
Tại hội thảo, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã chia sẻ về kết quả thực hiện Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ông nhấn mạnh việc miễn, giảm, gia hạn thuế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu thu ngân sách Nhà nước.
Đánh giá cao triết lý "nuôi dưỡng nguồn thu bền vững" và tinh thần cầu thị của ngành thuế. Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập Báo Lao Động, khẳng định chính sách thuế đã thể hiện rõ nét quan điểm kiến tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. Hội thảo cũng mở ra những kỳ vọng về một hệ thống thuế hiện đại, minh bạch, công bằng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước./.