Cách tiếp cận mới của các Giám đốc điều hành các công ty công nghệ

Các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ hàng đầu đang tích cực xây dựng mối quan hệ với Tổng thống đắc cử Donald Trump trước khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025.

Tỷ phú Elon Musk phát biểu tại cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump ở bang Pennsylvania ngày 5/11/2024. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ hàng đầu, từ Tim Cook của Apple, Sam Altman của OpenAI, Mark Zuckerberg của Meta, Masayoshi Son của SoftBank cho đến Jeff Bezos cho Amazon, đang tích cực xây dựng mối quan hệ với Tổng thống đắc cử Donald Trump trước khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025.

Thông qua một loạt chuyến thăm, bữa tối, cuộc gọi, các cam kết tài chính và chiến lược truyền thông, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này đang tìm cách cải thiện vị thế của mình khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai.

Các công ty công nghệ đã đóng góp hàng triệu USD vào quỹ nhậm chức của ông Trump, con số tăng mạnh so với các nhiệm kỳ trước. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Ngành công nghệ mong đợi điều gì từ mối quan hệ mới này?

Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, công ty phần mềm Microsoft và nhà đầu tư thân cận của ông Trump, Marc Andreessen, đã công bố một bài viết đề xuất chính sách về trí tuệ nhân tạo (AI).

Họ kêu gọi Chính phủ không thắt chặt luật bản quyền, tránh gây khó khăn cho việc sử dụng dữ liệu công khai để huấn luyện AI, đồng thời mở rộng cơ hội cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tham gia vào các hợp đồng mua sắm của Chính phủ.

Trong khi đó, ông Trump đã cam kết hủy bỏ sắc lệnh AI toàn diện của Tổng thống Joe Biden, vốn nhằm bảo vệ quyền lợi người dân và sự an toàn mà không kìm hãm đổi mới. Ông Trump cho biết chính sách AI của ông sẽ dựa trên "tự do ngôn luận và sự phát triển nhân loại."

Ông Doug Burgum, Thống đốc bang Bắc Dakota và người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Nội vụ, khẳng định việc tăng sản lượng điện là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các trung tâm dữ liệu và AI.

Ông Burgum nói: "Trận chiến AI sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ quốc phòng, y tế, giáo dục đến năng suất quốc gia."

Tuy nhiên, khi các trung tâm dữ liệu tiêu thụ ngày càng nhiều tài nguyên, một số cộng đồng địa phương đã phản đối do lo ngại về tác động kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Paul Swanson, luật sư chống độc quyền, gợi ý rằng các công ty công nghệ lớn nên học hỏi từ cuốn sách "The Art of The Deal" (Nghệ thuật đàm phán) của ông Trump để đàm phán hiệu quả hơn.

Dù các cơ quan liên bang đã siết chặt Google và Facebook dưới thời Tổng thống Biden, nhiều chuyên gia dự đoán chính quyền ông Trump sẽ nới lỏng thực thi chống độc quyền, tạo điều kiện cho các thương vụ sáp nhập.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, ông từng công khai chỉ trích Amazon và nhà sáng lập Jeff Bezos, nhưng ông Bezos gần đây đã thay đổi thái độ, bày tỏ sự lạc quan về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump và ủng hộ kế hoạch nới lỏng các quy định của ông.

Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2024, ông Mark Zuckerberg không ủng hộ ứng viên cụ thể nào nhưng đánh giá tích cực về phản ứng của ông Trump trước một vụ ám sát nhắm vào ông.

Trong khi đó, ông Elon Musk có mức độ tiếp cận Nhà Trắng đặc biệt, có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực từ chính sách năng lượng đến trí tuệ nhân tạo./.