Thúc đẩy tiến độ Cao tốc Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đi Quảng Bình
Sau 8 tháng thi công, tuyến cao tốc qua 2 địa phương này đã dần hình thành với nhiều hạng mục hầm, cầu. Tuy nhiên, để đưa dự án về đích đúng tiến độ trong năm 2025 thì còn rất nhiều việc phải làm.
Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) kết nối từ Hà Tĩnh đi Quảng Bình gồm Vũng Áng-Bùng dài 55,34km và Bùng-Vạn Ninh dài 48,84km.
Sau 8 tháng thi công, tuyến cao tốc qua 2 địa phương này đã dần hình thành với nhiều hạng mục hầm, cầu đang đạt tiến độ tốt.
Tuy nhiên, để đưa dự án về đích đúng tiến độ trong năm 2025 thì còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là nhiều đoạn tuyến còn giải phóng mặt bằng xôi đỗ, hoặc chưa thể giải phóng mặt bằng do việc xây dựng khu tái định cư của địa phương đang bị chậm.
[Công nhân âm thầm thi công xuyên lễ trên công trường cao tốc Bắc-Nam]
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư dự án thành phần Vũng Áng-Bùng, cho biết dự án có chiều dài qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 12,9km và chiều dài qua địa bàn tỉnh Quảng Bình khoảng 42,44km. Trong số đó, tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao 100% mặt bằng và các nhà thầu đủ điều kiện tiếp cận thi công gần hết diện tích trên. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình, địa phương mới bàn giao 37,2km đạt 88%. Trong số này, nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 29,2km, đạt 69%.
Về tình hình thi công, đại diện Ban Quản lý Dự án 6 cho hay dự án có 2 gói thầu, tính đến hết tháng 8/2023, các nhà thầu tại dự án đã đạt sản lượng xây lắp hơn 1.417 tỷ đồng tương đương 16,08% giá trị hợp đồng, nhanh 0,97% so với tiến độ đề ra.
Về khó khăn, vướng mắc, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho hay hiện trên tuyến vẫn còn vướng mặt bằng. Vì vậy, đề nghị địa phương khẩn trương xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang để tái định cư cho các hộ dân và di dời lăng, mộ bàn giao mặt bằng triển khai thi công.
Đối với các vị trí bãi thải, bãi trữ, đề nghị địa phương bàn giao các vị trí không phải giải phóng mặt bằng; đối với các vị trí cần phải bồi thường, hỗ trợ cây trồng, đề nghị địa phương nghiên cứu, có chính sách hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện, bàn giao cho dự án để phục vụ tập kết vật liệu, quản lý tài nguyên của dự án theo quy định của pháp luật.
Gói thầu XL01 đoạn Vũng Áng-Bùng có chiều dài 32,5km; trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh 12,9km, giá trị 5.200 tỷ đồng.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải đảm nhận thi công 5km tuyến chính cao tốc và hầm đường bộ Đèo Bụt dài gần 1km giá trị 1.700 tỷ đồng.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hạng mục hầm Đèo Bụt do nhà thầu này thi công không khí trên công trường rộn ràng, khẩn trương.
Hầm đường bộ Đèo Bụt đi qua núi Đèo Bụt (Hà Tĩnh) là một trong những hạng mục quan trọng, “điểm nhấn” trên đoạn cao tốc Vũng Áng-Bùng.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải đã huy động nhân lực và máy móc tập trung thi công hạng mục hầm Đèo Bụt. Hầm được thiết kế hai ống hầm với chiều dài lần lượt là 716m và 840m. Mỗi hầm cao 8m, rộng 15m, có 3 làn xe cùng các điểm mở rộng đề phòng sự cố trong quá trình sử dụng và hệ thống chiếu sáng bên trong.
Đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải thông tin tại vị trí cửa bắc hầm, phía hầm phải đã tiến hành việc khoan hầm. Hiện nhà thầu bố trí 60 nhân lực cùng 3 máy khoan (loại 3 cần) chia làm 3 mũi thi công tại hầm vị trí hầm phía bắc. Phía cửa nam hầm đang tiến hành đào bóc phong hóa, gia cố mái hầm, khoan bơm vữa cắm sắt neo mái taluy, tránh sụt trượt trong quá trình thi công...
Tuy nhiên với việc địa chất rời rạc, xen kẹp, nước ngầm đang là thách thức lớn nhất cho đội ngũ kỹ sư thi công hạng mục này.
Tại gói thầu XL02 của dự án Vũng Áng-Bùng do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) và Công ty cổ phần Lizen thi công, 2 đơn vị nay đã đưa nhiều trang thiết bị, máy móc để phục vụ thi công hạng mục cầu, đường của dự án.
Đảm nhận thi công 24km gói thầu XL02 của dự án này, ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin, cho biết dự kiến chỉ khoảng một tháng nữa, mùa mưa lũ khu vực sẽ bắt đầu. Dự báo tình hình, từ khi khởi công, nhà thầu đã tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh thi công cọc khoan nhồi, mố trụ các cầu lớn trên tuyến.
Theo kế hoạch, trước mùa mưa lũ, cầu Sông Gianh dài 2,4km sẽ cơ bản hoàn thành thi công cọc khoan nhồi của nhánh 1, chuyển sang phần đúc hẫng. Cầu Quảng Sơn 3 cũng sẽ chuyển sang thi công phần trên, tiến độ thi công cầu cơ bản được đảm bảo.
Kế tiếp là dự án Bùng-Vạn Ninh cũng do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư, đại diện đơn vị này cho biết, dự án cũng đang bám sát tiến độ đề ra. Với hai gói, tính đến hết tháng 8/2023, sản lượng xây lắp của dự án đạt trên 17%.
Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho hay, dự án vẫn gặp khó khăn về các vị trí bãi thải, bãi trữ, vì vậy đề nghị địa phương hỗ trợ sớm giải quyết khó khăn trên để nhà thầu có công địa thi công trên công trường.
Tại gói thầu XL01 dự án Bùng-Vạn Ninh do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4, Tổng công ty 36, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần 417 thi công, không khí thi công của liên danh rất khẩn trương, nhộn nhịp.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Điều hành gói thầu XL01-Tập đoàn Cienco4, cho hay quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn, anh em kỹ sư, công nhân động viên nhau làm ngày, làm đêm để đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu. Hiện Cienco4 đã huy động 60 kỹ sư, 295 công nhân chia làm 26 mũi thi công (bao gồm 7 mũi thi công cầu, 11 mũi thi công đường, 8 mũi thi công hầm chui dân sinh và cống các loại) cùng 92 đầu máy thiết bị.
Về khó khăn, kiến nghị, ông Trần Văn Thành cho biết hiện địa phương đã bàn giao mặt bằng cho liên danh hơn 24 km đạt 79,7%, phần còn lại chưa bàn giao khoảng 6km. Ngoài ra, một số vị trí đã bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng đường điện hạ thế, trung thế, đường điện dân sinh, hệ thống cáp quang dọc đường mòn Hồ Chí Minh hay một số vị trí đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, bàn giao chưa đủ mặt cắt ngang hoàn thiện nên chưa thể triển khai thi công. Cùng với đó vẫn còn nhiều vị trí đã bàn giao nhưng mặt bằng xôi đỗ, vướng các hộ tái định cư nên gây khó khăn cho việc bố trí thiết bị thi công.
Do đó, nhà thầu kiến nghị địa phương sớm di dời hệ thống đường dây hạ thế, trung thế, đường điện dân sinh, hệ thống cáp quang trên tuyến; đẩy nhanh xây dựng và thủ tục các hộ tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Tại gói thầu XL02 của dự án Bùng-Vạn Ninh, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Sơn đang thi công.
Ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc điều hành gói thầu XL02 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), cho hay trên chiều dài 19,2 km của gói XL02, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận thi công 16 km, giá trị sản lượng thực hiện hơn 1.500 tỷ đồng. Tính đến nay, nhà thầu đã huy động khoảng 150 đầu máy, thiết bị cùng 250 nhân lực tổ chức thi công đạt sản lượng xây lắp khoảng 15% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, gói XL02 hiện vẫn còn vướng mặt bằng. Hiện gói thầu mới có 14km mặt bằng sạch. Trong khi đó nhiều đoạn tuyến thi công cầu do địa hình cacxtơ ngầm (cầu vượt Quốc lộ 9B) gây khó khăn trong quá trình thi công. Ngoài ra, còn nhiều mặt bằng đang bị xen kẹp khu vực nghĩa trang, nhà cửa của người dân.
Vì vậy, ông Trần Hữu Hoàn đề xuất chủ đầu tư, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để nhà thầu sớm có toàn bộ mặt bằng triển khai hết các mũi thi công đạt được mục tiêu giải ngân hơn 450 tỷ đồng trong năm 2023.
Ngoài ra, nhà thầu đề nghị chủ đầu tư linh hoạt xem xét giải ngân giá trị hạng mục sản xuất (khấu kiện giải phân cách giữa) cho nhà thầu, thay vì phải đợi đến khi lắp đặt hoàn thiện trên hiện trường, qua đó tạo dòng tài chính thuận lợi cho nhà thầu./.