Bài 3: ‘Cánh cửa’ đào tạo song bằng hệ 9+ sau trung học cơ sở
Những năm gần đây, học sinh và phụ huynh đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Sau khi tốt nghiệp giáo dục Trung học cơ sở (THCS), học sinh có thể có 4 lựa chọn: Học tiếp lên Trung học Phổ thông (THPT); xét tuyển vào các trường trung cấp hệ 9+; học bổ túc THPT hoặc tham gia vào thị trường lao động. Nhìn chung, sau giáo dục THCS, hệ thống giáo dục chính quy được phân thành 2 luồng: Luồng giáo dục phổ thông và luồng giáo dục nghề nghiệp.
Những năm gần đây, học sinh và phụ huynh đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp THCS.
Hướng đi ngắn hơn
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... những nơi mà chỉ 60-70% học sinh được tuyển sinh vào các trường THPT thì nhu cầu học ở các trường nghề đang là sự lựa chọn tối ưu hơn cả. Thay vì thức đêm xếp hàng giành suất cho con vào lớp 10, họ chọn một hướng đi nhẹ nhàng, ít cạnh tranh hơn là nộp hồ sơ cho con học tại các trường nghề.
Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn các trường THPT công lập năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh có con bị thiếu điểm đã tìm hiểu thông tin, đến tận các trường nghề để tham quan mô hình đào tạo chương trình 9+. Có những ngày cao điểm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo có chất lượng trên địa bàn Hà Nội tiếp đến hơn 100 lượt phụ huynh đến tìm hiểu về mô hình đào tạo của nhà trường.
Chị Phạm Thanh Thủy vừa đăng ký xét tuyển cho con trai Trần Văn Minh Quang vào học chương trình 9+ trong ngành Công nghệ thông tin (nguyện vọng 1) và ngành Công nghệ ô tô (nguyện vọng 2) tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
"Cháu Quang thi vào lớp 10 bị trượt nguyện vọng 1 nên gia đình quyết định cho cháu đăng ký vào học trường nghề. Chúng tôi muốn con học chương trình 9+ để rút ngắn thời gian học, vừa có trình độ văn hóa THPT và kỹ năng nghề, sau này dễ tìm kiếm việc làm," chị Thuỷ chia sẻ.
[Tuyển sinh lớp 10: Định hướng để học sinh chọn trường, môn học phù hợp]
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định phần đa số học sinh, sinh viên vào trường nghề hiện thuộc 3 nhóm đối tượng: Thứ nhất là số không có nhu cầu hoặc là khó có nhu cầu học lên cao; thứ hai là là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, muốn đi học ngắn hơn để ra trường có việc làm ngay; thứ ba là bản thân cũng có nhu cầu học một số nghề nhất định. Thời gian gần đây, số lượng học sinh học nghề ngày càng tăng và không phải tất cả học sinh tham gia học nghề đều là do khó khăn, học tập yếu kém.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chính mô hình đào tạo 9+ song bằng đã giúp cho số lượng học sinh tham gia học nghề đang tăng lên. Đây là mô hình giống với mô hình Kosen của Nhật Bản, tức là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào thẳng trường nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề, khi các em học sinh ra trường vừa có bằng nghề đồng thời có tốt nghiệp phổ thông theo các tiêu chuẩn và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Việc vừa học nghề, vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian đào tạo tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em học sinh khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động ngay. Mô hình này không phải được áp dụng chỉ riêng Việt Nam mà các nước đang phát triển cũng đều áp dụng mô hình này nhiều, thậm chí ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Canada, Đức cũng khuyến khích mô hình này,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Mục tiêu 50% học sinh trung học vào trường nghề
Giai đoạn 2016-2020, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) được 980.620 học sinh. Phần lớn trường cao đẳng, trường trung cấp trong hệ thống GDNN đều có tuyển sinh và đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chủ yếu học sinh vào học hệ trung cấp, ngoài ra có một số học các trình độ sơ cấp hoặc học liên thông lên cao đẳng. Tuy nhiên số lượng tuyển sinh hàng năm vẫn còn ít so với mục tiêu được đặt ra.
Từ thực tế đã kéo dài rất nhiều năm là tỷ lệ phân luồng học sinh trung học vào hệ thống giáo nghiệp nghề nghiệp còn rất thấp, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023 về đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đây là một mục tiêu rất cụ thể và rất khó với công tác phân luồng học sinh.
Thừa nhận thực tế tuyển sinh vào các trường nghề vẫn không phải là điều dễ dàng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng thời gian qua công tác tuyển sinh đã có nhiều thay đổi nhưng nhìn chung một số trường nghề hiện nay tuyển sinh được thì đào tạo chưa thực sự bám với thị trường, chưa thực sự bám với nhu cầu.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đóng vai trò quan trọng cho việc tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống giáo dịch nghề nghiệp chất lượng hơn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay trong thời gian vừa qua đã giảm tới 279 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, trừ các trọng điểm về kinh tế-xã hội, còn lại hầu hết các địa phương chỉ còn 1-2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành, đa cấp.
“Thời gian vừa qua tôi thấy rất mừng là 63 tỉnh, thành đã cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, tổ chức sáp nhập lại các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo một nguyên tắc là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thì “3 trong 1” và “2 trong 1”. Một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục sắp xếp lại các trường nghề ở các địa phương, hoàn thiện quy hoạch theo Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Các ngành nghề của các trường địa phương cũng được quy hoạch để tránh tình trạng trùng lặp về chức năng, ngành nghề đào tạo.
Bên cạnh sự phát triển của hệ thống trường nghề, việc tiếp tục mở rộng hệ thống trường trung học phổ thông công lập cũng là vấn đề được các địa phương đặt ra, đặc biệt là Hà Nội, nơi có số lượng học sinh lớn nhất cả nước, nhằm đảm bảo quyền được đi học cho các em.
Đón đọc toàn bộ chùm bài:
Bài 1: Gian nan tranh suất học lớp 10 trường công
Bài 2: Khoảng trống hướng nghiệp bậc trung học cơ sở
Bài 3: ‘Cánh cửa’ đào tạo song bằng hệ 9+ cho học sinh trung học cơ sở
Bài 4: Quyết liệt từ quy hoạch: Giải “bài toán” thiếu trường, thiếu lớp trường công lập
Bài 5: Hệ đào tạo 9+: “Con đường” vừa học, vừa trải nghiệm thực tế