Thủ tướng: Thực hiện Nghị quyết 11 cần linh hoạt, hiệu quả

Để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ nút thắt về cơ chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11 về phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. ( Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 27/8, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào vùng; với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển.”

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và 5 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; các tổ chức quốc tế; các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trình bày nội dung Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động hành thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể và 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng công bố Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025 do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch.

Thay đổi tư duy phát triển vùng, tăng tính liên kết

Sau khi nghe giới thiệu nội dung Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ; xem giới thiệu chung về vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng như lộ trình và vận hội phát triển của vùng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có các tham luận làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư phát triển; các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Nghị quyết 96/NQ-CP thiết thực, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 96/NQ-CP, chính quyền, người dân trong vùng và các bộ, ngành liên quan cần có tư duy mới. Theo đó cần chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị...

[Kêu gọi xúc tiến đầu tư vào vùng trung du và miền núi phía Bắc]

Để phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề xuất, giao thông phải đi trước một bước. Trong khi đó, trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông dù đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển.

Do đó trong thời gian tới, vùng phải có đột phá về giao thông để kết nối nội vùng với trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội, các cảng biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh và với nước bạn Trung Quốc. Để phát triển mạng lưới giao thông Vùng, cần nguồn vốn lớn nên phải huy động tổng hợp nhiều nguồn, nhất là hợp tác công tư. Trong đó ưu tiên nâng cấp và xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, sân bay và tuyến đường sắt trong vùng...

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh để phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc trong vùng.

Trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyên làm chủ của nhân dân; đặc biệt nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên nhận diện, kiên quyết đấu tranh hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong kiến nghị cần đổi mới tư duy về liên kết vùng; xác định, nhận thức rõ bản chất, nội hàm của liên kết để cụ thể hóa và xác định thứ tự, nội dung ưu tiên thực hiện; nên có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng; đi đôi với tạo nguồn lực là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực hiện có.

Đối với tỉnh Lào Cai sẽ quyết tâm đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao thương kinh tế; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước; xây dựng Lào Cai thành hạt nhân du lịch, văn hóa của vùng; phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, duy trì cung cấp nguyên liệu ổn định cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước...

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đưa ra các khuyến nghị về chính sách giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao mức sống tại vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đại diện Ngân hàng châu Á (ADB) đề xuất các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng du lịch trong vùng. Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc phát biểu bày tỏ mong muốn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có cơ chế, chính sách thông thoáng, cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển để các doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư vào Vùng... Trong đó, đại biểu quan tâm các lĩnh vực phát triển xanh, năng lượng sạch, công nghiệp công nghệ cao.

Không để xảy ra tình trạng “khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu một số nội dung có tính chất nền tảng. Thủ tướng cho biết Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát huy các giá trị văn hóa; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp để duy trì môi trường hòa bình, ổn định và vì sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; dựa vào nguồn lực bên trong là chủ yếu, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã có đầy đủ và đúng đắn các chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, hành động phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện thật tốt, không để xảy ra tình trạng “khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu." Theo đó các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, cách làm tốt; uốn nắn, chấn chỉnh đối với những yếu kém, thiếu sót.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Trong đó có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên; là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển vùng. Trong thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, họp với các địa phương trong vùng để bàn các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng và toàn vùng.

Nhờ đó, tăng trưởng GRDP trong vùng không ngừng được cải thiện, đều đạt mức cao nhất cả nước; bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt khoảng 9,3%. Quy mô GRDP đạt 688,9 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 54,1 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 37 (2.000 USD).

Mức độ tập trung kinh tế của vùng đạt 7,2 tỷ đồng/km2, gấp 3,8 lần năm 2010. Xuất khẩu tăng mạnh, từ 3,3 tỷ USD năm 2013 lên đến 41,7 tỷ USD năm 2020; tốc độ tăng trưởng đạt 57,8%/năm.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh, quốc phòng, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn trọng yếu được tăng cường; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, vững mạnh.

Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của vùng chưa cao. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch còn chậm. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Là vùng trũng trong phát triển, là “lõi nghèo” của cả nước...

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 37 và ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc với tinh thần trách nhiệm rất cao của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong vùng,” Thủ tướng khẳng định. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96 ngày 01/8/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.

Theo Thủ tướng, để phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới, trước hết phải bám sát 5 quan điểm theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, cũng như các mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết này đề ra. “Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn,” Thủ tướng lưu ý.

Trên quan điểm đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng và các bộ, ngành liên quan tập trung quán triệt tinh thần “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước” và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc ngày 15/4/2022 quán triệt và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành; tập trung phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.

Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Các địa phương trong vùng tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tháo các nút thắt về cơ chế, hạ tầng và nguồn nhân lực

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các tỉnh trong vùng tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, nhất là quyết liệt triển khai tiêm vaccine cho người dân; tập trung xây dựng quy hoạch vùng, hướng tới phát triển cân bằng và hài hòa các lĩnh vực, đảm bảo “an sinh - an ninh - an dân,” giữ đất, giữ rừng, ổn định dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến trao thoả thuận hợp tác đầu tư, bản ghi nhớ và chứng nhận đầu tư của các địa phương trong vùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các tỉnh đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng…

Thủ tướng yêu cầu khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Chúng ta phải xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; là phòng tuyến về hợp tác, phát triển kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến phù hợp để rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan và lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. “Tinh thần đặt ra là thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết ngay và kịp thời báo cáo, đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó phải nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác quan tâm đầu tư quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “tâm, tài, trí, tín”; “chân thành, trách nhiệm.” Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền.

Các doanh nghiệp, đối tác tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng; trong đó tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, phát hiện và khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhiệm vụ phát triển vùng đặt ra đối với các cấp, các ngành, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các địa phương trong vùng là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang - đó cũng là con đường tất yếu để vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển toàn diện, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ./.

Phạm Tiếp-Hồng Ninh (TTXVN/Vietnam+)