Xây dựng Lào Cai là trung tâm kinh tế, cửa ngõ giao thương năng động

Sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 7,14%, đứng thứ 8 trong khu vực và thứ 29 trong số các tỉnh, thành trên cả nước.

Thành phố Lào Cai ngày nay. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tỉnh Lào Cai đã có nhiều nỗ lực để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, dần trở thành một trung tâm kinh tế, cửa ngõ giao thương năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế

Theo ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, khi tái lập năm 1991, địa phương là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước.

Sau hơn 30 năm đổi mới và phát triển, Lào Cai đã vươn mình đứng trong tốp đầu các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh phải đối diện với những khó khăn của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc ít người.

Địa phương vẫn nằm trong diện tỉnh nghèo của cả nước, chưa tự cân đối được ngân sách. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, nhiều nơi vẫn còn khó khăn.

[Lào Cai đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp trên 46.000 tỷ đồng]

Với tầm nhìn chiến lược và dài hạn, tại Nghị quyết 11-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng các Đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trong đó xây dựng Lào Cai là "Cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam-Trung Quốc" trên cơ sở đánh giá cụ thể, toàn diện các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI đã xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và hai lĩnh vực đột phá.

Với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, địa phương đã thực hiện thành công mục tiêu kép là tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Từ kết quả đạt được, Lào Cai đã tập trung khai thác và phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đưa kinh tế-xã hội sớm trở về trạng thái bình thường.

Tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế cửa khẩu, quy hoạch và đầu tư mở rộng cửa khẩu quốc tế, nâng cấp hệ thống kết nối giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số, xúc tiến thương mại.

Lào Cai tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; phát triển hạ tầng các đô thị, khu công nghiệp, khu du dịch; đầu tư hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế, xã hội số và xây dựng thành phố thông minh.

Bộ mặt từ đô thị đến nông thôn có nhiều đổi mới, toàn tỉnh đã có 62/127 xã và hai huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, đứng trong tốp đầu của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, thu nội địa chiếm khoảng 70%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt 9.939 tỷ đồng; 8 tháng của năm 2022 ước đạt 6.180 tỷ đồng, bằng 83% dự toán Trung ương giao, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Tỉnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đột phá trong phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ.

Tỉnh đã ban hành các đề án về Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh giai đoạn 2020-2025; phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, sáng tạo, quyết liệt của các cấp, ngành, kết quả thực hiện các mục tiêu của Lao Cai đạt ở mức cao. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 5,33%, đứng thứ 8 trong số các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 27 các tỉnh, thành trong cả nước.

Sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 7,14%, đứng thứ 8 trong khu vực và thứ 29 trong số các tỉnh, thành trên cả nước.

Cửa ngõ giao thương năng động

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, cho biết là một trong những “cửa ngõ” xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, việc tạo điều kiện thuận lợi hoạt động xuất, nhập khẩu luôn được tỉnh chú trọng thực hiện.

Xe hàng xuất khẩu của việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Để từng bước xây dựng cửa khẩu Lào Cai trở thành cửa ngõ giao thương năng động, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng ở khu vực cửa khẩu.

134 dự án với tổng vốn trên 24.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, trong đó 128 dự án đi vào hoạt động, 6 dự án đang xây dựng và hoàn thiện thủ tục.

Khu Kinh tế này đã có hệ thống kho hàng, bến bãi với tổng diện tích 265ha; 5 trung tâm logistics, tổng diện tích trên 286.000m2, với các dịch vụ cho thuê kho, bãi; cung cấp dịch vụ vận tải, xếp dỡ hàng hóa, khai thác thiết bị...

Để phát triển kinh tế cửa khẩu cũng như phát huy lợi thế của tỉnh, Lào Cai còn tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính.

Tỉnh triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và thủ tục thu nộp thuế điện tử.

Cục Hải quan Lào Cai đã áp dụng Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và Cơ chế một cửa Quốc gia nhằm rút ngắn thời gian thông quan, đã tác động tích cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn hằng năm duy trì trên 20% (năm 2021 đạt trên 3,2 tỷ USD), trong đó, tỷ trọng hàng nông sản chiếm khoảng 57% tổng giá trị hàng xuất khẩu.

Đến hết tháng 7/2022, hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 1,207 tỷ USD, tỷ trọng hàng nông sản chiếm khoảng 30% tổng giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 5 tỷ USD, đến năm 2030 sẽ đạt 10 tỷ USD.

Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết thêm Lào Cai luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đến tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu.

Vào những thời điểm hoạt động xuất, nhập khẩu tăng cao, địa phương còn tăng cường chỉ đạo, thường xuyên đối thoại và phối hợp với các cấp chính quyền Vân Nam (Trung Quốc) để hai bên cùng đưa ra cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, Lào Cai triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại cửa khẩu như dự án Xây dựng bãi đỗ xe xuất khẩu KB2; dự án Bãi đỗ xe xuất, nhập khẩu hàng hóa trong Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành; dự án Cải tạo, mở rộng nhà quản lý liên ngành tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai.

Tỉnh đang xây dựng thí điểm Cổng dịch vụ công tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành một điểm dừng duy nhất (One Stop), đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu./.

Hồng Ninh (TTXVN/Vietnam+)