Thủ tướng phát lệnh khai thác cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Diễn Châu-Bãi Vọt
Việc đưa vào khai thác Dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt vào khai thác đưa tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đến nay đạt hơn 2.000km.
Chiều 28/4, tại tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), dự Lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B).
Đây là 2 trong 3 dự án cao tốc thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong toàn hệ thống đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận và điểm cầu tỉnh Nghệ An, chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2023), Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Cùng dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực dự án đi qua.
Tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài gần 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng do liên danh Tập đoàn Đèo Cả, Công ty xây dựng Đèo Cả và Công ty đầu tư xây dựng 194 đầu tư.
Tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo được khởi công tháng 9/2021, khi đi vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang (Khánh Hoà) còn khoảng 5 giờ đi ôtô, thay vì mất 8 giờ nếu đi Quốc lộ 1 như trước đây.
Tuyến cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt dài 50,5km nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh do liên danh đầu tư Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hòa Hiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Núi Hồng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 với tổng số vốn hơn 11.000 tỷ đồng.
Dự án được khởi công tháng 5/2021, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chỉ còn hơn 3 giờ đi ôtô.
Trong quá trình thi công các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như đại dịch COVID-19, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, khó khăn về vốn… làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần: “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó - Khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó - Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”; “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “Chỉ bàn làm, không bàn lùi.”
Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án; quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để sớm bình ổn giá vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu…
Lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thi công các dự án.
Với hai đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 129km được đưa vào khai thác đã nâng tổng chiều dài tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác lên 1.226km trong tổng số 2.064km theo quy hoạch của tuyến cao tốc Bắc-Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đến thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Hiện nay, toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam còn 4 đoạn tuyến đang triển khai với tổng chiều dài 838km gồm: tuyến Pháp Vân-Lạng Sơn nối Hà Nội đi Lạng Sơn dài 110km; Bãi Vọt-Cam Lộ nối Hà Tĩnh và Quảng Trị dài 267km; Quảng Ngãi-Khánh Hòa nối các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa dài 351km.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng cảm ơn tới tất cả cán bộ, công nhân, người lao động của các Ban Quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị tư vấn, nhất là những người đang làm việc trên công trường các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, nhất là các dự án đường bộ cao tốc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” “làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên Lễ, xuyên Tết,” tất cả vì Tổ quốc thân yêu, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì cuộc sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong số đó, hệ thống đường cao tốc đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong việc kết nối, nâng cao năng lực vận tải phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh cho các địa phương, các vùng và cả nước.
Theo Thủ tướng, giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó; nhất là tạo điều kiện hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch; nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất; giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại dễ dàng, thuận lợi, góp phần đẩy mạnh giao lưu, sinh hoạt, nâng cao chất lượng đời sống.
Trong hệ thống giao thông của cả nước, hành lang vận tải Bắc-Nam luôn có vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, là hành lang kinh tế-vận tải huyết mạch của đất nước.
Để tạo động lực đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063km từ Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Việc đưa vào khai thác Dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt vào khai thác đưa tổng chiều dài các tuyến cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đến nay đạt hơn 2.000km.
“Đạt được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; tin tưởng với đà phát triển này, nước ta sẽ đạt mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030,” Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành Giao thông vận tải; các Ban Quản lý dự án; các doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị tư vấn đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục khó khăn, làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa,” “tăng ca, tăng kíp,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường, chiến thắng đại dịch COVID-19,” “làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên Lễ, xuyên Tết” để đưa các Dự án đi vào khai thác, vận hành.
Người đứng đầu Chính phủ biểu dương sự quyết tâm, cố gắng lớn của Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan, các Ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị tư vấn; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và các địa phương; sự nỗ lực, trách nhiệm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; đồng thời trân trọng cảm ơn bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà để triển khai các dự án.
Chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm quý trong công tác chỉ đạo điều hành, thời gian tới, để phát huy tối đa hiệu quả của dự án này và các dự án cao tốc nói chung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức, hướng dẫn vận hành, khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả các tuyến cao tốc; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên bảo đảm an toàn trong khai thác; triển khai xây dựng đầy đủ các công trình tiện ích đi kèm như trạm dừng nghỉ, trạm cung cấp nhiên liệu... Đặc biệt, triển khai xây dựng ngay đường hầm Núi Vung thứ hai trên tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình nhường mặt bằng cho Dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, yên tâm sinh sống, làm ăn; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Các nhà đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn cũng như các bộ, ngành, địa phương rà soát, đúc rút, vận dụng hiệu quả các kinh nghiệm từ Dự án này và các dự án đã thực hiện để nâng cao hiệu quả triển khai các công trình, dự án tiếp theo.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt, đủ điều kiện để tổ chức khánh thành vào dịp kỷ niệm 134 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).
Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm Anh hùng Lao động Hồ Thị Lượm (sinh năm 1932) ở phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận - người kiên cường, sáng tạo, giúp tổ sản xuất muối ở Xí nghiệp Muối Vĩnh Ngọc (Nghệ An) luôn vượt sản lượng, năng suất cao nhất toàn ngành muối; bà vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bày tỏ mến mộ nghị lực phi thường, lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Anh hùng Hồ Thị Lượm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc bà Hồ Thị Lượm sức khỏe, tiếp tục động viên con cháu tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu./.