Bộ Y tế cảnh báo số trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng
Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc bệnh sởi mới, các ổ dịch nhiều nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Ngày 28/4, theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, số trường hợp mắc bệnh sởi tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc bệnh sởi mới, các ổ dịch tập trung nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua.
Tuần qua, Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… nếu không có miễn dịch phòng bệnh có thể sẽ gây thành dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém.
Theo Cục Y tế Dự phòng, tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng.
Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu; còn tại Việt Nam, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua...
Do đó, để phòng chống các bệnh có vaccine dự phòng, các cơ sở y tế cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu./.