Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Minh chứng bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở Việt Nam-những đối tượng yếu thế nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở Việt Nam- những đối tượng yếu thế nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những thành tựu đó và đây chính là minh chứng quan trọng về nỗ lực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Góp phần thay đổi nhận thức
Chỉ khoảng 10 phút đi đường, Giàng A Lùng (21 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã đưa vợ là Lý Thị Số (20 tuổi) đến Trạm Y tế xã Mù Sang để khám thai định kỳ an toàn. Đi cùng hai vợ chồng là đứa con trai nhỏ hơn 1 tuổi- được chị Số sinh hạ tại Trạm Y tế xã.
Nhờ sự tuyên truyền vận động của các cô đỡ thôn bản, họ đã tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi ngay tại địa bàn cư trú, thay vì chọn cách tự chăm sóc bản thân, rồi sinh con ở nhà. Mà một thời, quan niệm sai lệch này là nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm cho sản phụ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng dân số.
“Vợ chồng tôi được cô đỡ thôn bản đến vận động đi khám thai và sinh con ở Trạm y tế xã. Chúng tôi đã sinh được đứa con đầu ở Trạm y tế và cháu đến giờ khỏe mạnh, nên tôi tiếp tục đưa vợ đến Trạm y tế khám thai đứa con thứ hai. Tôi rất biết ơn các y, bác sỹ của Trạm y tế và các cô đỡ thôn bản”, anh Lùng chia sẻ.
Tại Trạm Y tế xã Mù Sang- xã vùng cao, vùng sâu biên giới nằm cách thành phố Lai Châu hơn 60km về phía Tây Bắc- có thể dễ dàng gặp nhiều cặp vợ chồng như anh Lùng, chị Số đến sử dụng các dịch vụ sức khỏe sinh sản an toàn.
Y sĩ Đào Hồng Nhật- Trưởng trạm y tế xá Mù Sang cho biết, trạm có 7 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sỹ. Toàn bộ người dân ở xã đều có bảo hiểm y tế. Mù Sang có 10 bản, bản xa nhất cách trạm khoảng 15km. Ngoài nhân lực y tế của trạm, Mù Sang có thêm 2 cô đỡ thôn bản, cùng đó 10 bản đều có nhân viên y tế thôn bản.
Được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế, những năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Y tế, các địa phương cũng như của cộng đồng quốc tế, trong đó có Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và các đối tác, mạng lưới cô đỡ thôn bản đã được xây dựng rộng khắp ở các khu vực vùng dân tộc thiểu số, vùng cao của tỉnh Lai Châu nói riêng và 5 tỉnh khác của Dự án triển khai gồm Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai.
Mô hình này đã và đang từng ngày góp phần thay đổi nhận thức của người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Làm cô đỡ thôn bản ở xã Mù Sang đã gần 13 năm, chị Thần Thị Út (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ, chị và đồng nghiệp là chị Tần Xa Nhị ở cùng xã, vừa làm nông nghiệp, vừa theo nghề gần 10 năm.
Có những nửa đêm, qua điện thoại gia đình gọi thai phụ gặp vấn đề về sức khoẻ, họ phải nhờ chồng đèo đến bản, rồi trưởng bản hoặc gia đình ra đón đưa vào nhà vì đường đi khó khăn và đêm tối. Nhiều lần phải đi bộ đến nhà thai phụ vì gia đình chỉ có một chiếc xe máy phải để chồng đi làm.
Chị Tần Xa Nhị cho biết, thông qua việc được tham dự các lớp tập huấn cho cô đỡ thôn bản tổ chức ở huyện và tại thành phố Lai Châu trong khuôn khổ các chương trình, dự án của ngành Y tế, trong đó có Dự án nói trên, chị và các đồng nghiệp ở Lai Châu được nâng cao trình độ bản thân, có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ này.
Những con số “biết nói”
Những nỗ lực của ngành Y tế và các đối tác tài trợ đã góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong mẹ ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số của Lai Châu nói riêng và nhiều vùng dân tộc thiểu số nói chung ở Việt Nam.
Tại xã Mù Sang, nếu năm 2021 chỉ có khoảng hơn 44% bà mẹ mang thai đến khám thai, theo dõi thai tại trạm 3 lần, thì cuối năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 80%. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 4 lần trong thai kỳ tăng từ 37% lên gần 71%.
Bác sỹ chuyên khoa I Dương Văn Quân- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ cho biết, nếu năm 2022, trên địa bàn huyện chỉ có 48% phụ nữ được khám thai 3 lần trong thai kỳ, đến quý 1/2024 đã tăng lên gần 62%.
Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 4 lần trong thai kỳ tăng từ 29,3% năm 2022 lên gần 53% trong quý 1/2024.
Ở phạm vi toàn tỉnh Lai Châu, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu giao của ngành.
Nổi bật là số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất ba lần trong 3 thời kỳ thai nghén đạt và số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ có kỹ năng đều đạt hơn 70%; tỷ lệ phụ nữ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong vòng 42 ngày sau đẻ đạt hơn 80%; tỷ lệ trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống Vitamin A năm 2023 đạt 98,9%...
Còn trên cả nước, nhất là các vùng dân tộc thiểu số, theo các số liệu thống kê của ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023.
Trong giai đoạn này, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58% xuống còn 18,2%; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44% xuống còn 11,6%; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53% xuống còn 11%.
Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản - nhi đã phát triển mạnh mẽ từ trung ương đến cơ sở, nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của nhân dân.
Ấn tượng trước những con số thuyết phục trên, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những nước có nhiều thành tựu trên lĩnh vực giảm tử vong mẹ. Và là một trong 6 nước trên thế giới đạt được chuẩn về tỷ lệ giảm tử vong mẹ theo như các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây.
Hiện Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030.
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam lưu ý, trên toàn cầu, hiện nay cứ mỗi một ngày có tới 830 người phụ nữ tử vong trong quá trình sinh nở và đây là một con số rất đáng báo động và cần phải kéo giảm tỷ lệ này.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bộ Y tế vào năm 2022, tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam trong 30 năm qua đã giảm được tới 70%, tức là cao hơn con số toàn cầu là chỉ giảm có 40%.“Đây là một tỷ lệ rất ấn tượng”, ông Matt Jackson khẳng định.
Cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn
Dù đạt được những kết quả ấn tượng trong chăm sóc, bảo vệ bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản của người dân song Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước.
Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, số liệu điều tra, thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi vẫn cao gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung toàn quốc; nhiều trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia nhưng trang thiết bị thiếu, nhân lực chưa đồng đều...
Một trong những kinh nghiệm UNFPA đề xuất cho Việt Nam là tăng cường đầu tư vào mạng lưới cô đỡ thôn bản. Theo đó, cần có những chế độ phù hợp để giữ chân các cô đỡ thôn bản trong mạng lưới. Ngoài ra, cũng cần tăng cường hỗ trợ cho cán bộ y tế, đặc biệt là trên phương diện đào tạo và trang thiết bị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, để tiếp tục phát triển, phát huy và duy trì những thành tựu đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, ngành Y tế cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực thực hiện một số giải pháp.
Trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân cũng như tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Ngành Y tế phải tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nhất là từ tuyến trên xuống tuyến dưới, ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, có chế độ, chính sách phù hợp, ưu tiên cho cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa.
“Có rất nhiều người đã bỏ nghề, mặc dù chúng ta đã mất rất nhiều công đào tạo họ”, ông Trần Văn Thuấn cho biết và nhấn mạnh, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chăm sóc, bảo vệ bà mẹ, trẻ em nói riêng và công tác khám, chữa bệnh nói chung.
Việc tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp trên sẽ là những điều kiện để thúc đẩy bao phủ y tế cơ sở, mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em để từng bước san dần khoảng cách giữa miền núi, đồng bằng, giữa thành phố và nông thôn và với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn./.