Thủ tướng Pháp Gabriel Attal kêu gọi đoàn kết chống lại phe cực hữu
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho rằng phe cực hữu có thể chiếm đa số tuyệt đối, do đó, cần làm mọi cách để RN không thể đạt được điều này.
Ngày 3/7, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal kêu gọi cử tri thành lập một mặt trận thống nhất để ngăn chặn phe cực hữu trong cuộc bầu cử quốc hội, đồng thời cảnh báo việc đảng cực hữu của bà Marine Le Pen có khả năng giành được đa số tuyệt đối.
Chỉ còn ít ngày nữa đến vòng bỏ phiếu thứ hai (ngày 7/7), song tương lai chính trị của Pháp vẫn mờ mịt khi đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu tìm cách giành quyền kiểm soát chính phủ.
Giới phân tích nhận định với việc dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, RN có triển vọng thành lập được chính phủ, và ông Jordan Bardella - gương mặt đại diện cho bà Le Pen, sẽ đảm nhận chức vụ Thủ tướng trong cuộc “chung sống chính trị” đầy căng thẳng với Tổng thống theo trường phái trung dung Emmanuel Macron.
Trong tuần này, hơn 200 ứng cử viên theo đường lối cánh tả và trung dung đã từ bỏ cuộc đua ở vòng bầu cử thứ hai, nhằm ngăn cản thắng lợi của RN.
Việc thành lập “Mặt trận Cộng hòa” này dường như là một thành công đối với chính phủ, tuy nhiên, vấn đề hiện nay là liệu các cử tri có hưởng ứng lời yêu cầu ngăn chặn RN hay không.
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, Thủ tướng Pháp Attal cho rằng phe cực hữu có thể chiếm đa số tuyệt đối, do đó, cần làm mọi cách để RN không thể đạt được điều này.
Theo lý thuyết, để đạt được đa số tuyệt đối, đảng RN cần có ít nhất 289/577 ghế trong Quốc hội để có thể tự thành lập chính phủ. Theo bà Le Pen, RN sẽ nỗ lực giành hơn 270 ghế trong lần bầu cử này, đồng thời phản đối những động thái thành lập liên minh chống lại đảng của bà.
Công ty phân tích rủi ro Eurasia Group có trụ sở tại London (Anh) cho biết mặt trận chống cực hữu sẽ dập tắt hy vọng giành được đa số tuyệt đối của RN, tuy nhiên tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất quan trọng đối với kết quả bầu cử.
Bà Janine Mossuz-Lavau, Giám đốc nghiên cứu danh dự của Viện Cevipof ở Paris, dự đoán tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể thấp hơn mức 66,7% của vòng 11.
Giới quan sát cho rằng nhiều khả năng, sau cuộc bầu cử này, thay vì một chính phủ cực hữu, Pháp có thể được lãnh đạo bởi một liên minh rộng rãi giữa những thành phần theo chủ nghĩa trung dung ủng hộ Tổng thống Macron, cánh hữu truyền thống, những người theo phe xã hội và đảng Xanh./.