Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục là khu vực kém hòa bình nhất trên thế giới
Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) năm 2024 cho thấy khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) vẫn là khu vực kém yên bình nhất trên thế giới - thứ hạng mà khu vực này đã giữ trong 9 năm liên tiếp.
Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) năm 2024 cho thấy khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) vẫn là khu vực kém yên bình nhất trên thế giới - thứ hạng mà khu vực này đã giữ trong 9 năm liên tiếp.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, báo cáo GPI 2024 do Viện Kinh tế & Hòa bình (IEP) công bố đã xếp hạng 163 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ hòa bình, nêu rõ rằng 4 trong số 10 quốc gia kém hòa bình nhất đều nằm trong khu vực MENA. Khu vực này đã ghi nhận chỉ số hòa bình giảm nhẹ trong năm qua sau nhiều năm có cải thiện.
Căng thẳng trong khu vực vẫn ở mức cực cao tính đến đầu năm 2024, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Các ước tính mới nhất cho thấy hơn 35.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, mặc dù con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Cuộc xung đột cũng đã đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào khủng hoảng, với sự tham gia của Syria, Iran, Liban và Yemen.
Yemen là quốc gia kém hòa bình nhất trong khu vực và là quốc gia kém hòa bình nhất theo GPI 2024. Đây là lần đầu tiên quốc gia được xếp ở cuối bảng. Hòa bình ở Yemen suy giảm trong năm qua do các cuộc biểu tình bạo lực, bất ổn chính trị và các chỉ số quan hệ giữa các nước láng giềng xấu đi.
Sự bất ổn chính trị nội bộ của Yemen đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua do điều kiện sống ngày càng xấu đi và tình trạng bất ổn xã hội gia tăng. Xung đột nội bộ ở Yemen càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng khu vực bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Gaza.
Mặc dù phần lớn sự chú ý trong khu vực tập trung vào cuộc xung đột ở Gaza, nhưng hòa bình ở Sudan cũng đang giảm đáng kể.
Xung đột nổ ra vào tháng 4/2023 giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) sau khi kế hoạch giải tán RSF và hợp nhất với quân đội được đề xuất. Xung đột vũ trang đã khiến hàng triệu người phải di tản.
Tình trạng bất ổn dân sự và tình trạng vô luật pháp ngày càng gia tăng đồng nghĩa với việc các cơ quan nhân đạo và tổ chức đa phương không thể hoạt động an toàn ở hầu hết các địa điểm, kể cả thủ đô Khartoum.
Sau Yemen, Sudan, Nam Sudan, Afghanistan và Ukraine là những quốc gia kém hòa bình nhất.
Trên toàn cầu, IEP nhận thấy mức độ hòa bình trung bình một lần nữa lại xấu đi, với 56 cuộc xung đột đang nổ ra - nhiều nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và có ít xung đột được giải quyết hơn.
Sau MENA, khu vực châu Phi cận Sahara là khu vực kém hòa bình thứ hai trên thế giới, với 3 trong số 10 quốc gia kém hòa bình nhất trên thế giới nằm ở phía Nam sa mạc Sahara.
Châu Phi cận Sahara phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng an ninh, đáng chú ý nhất là sự gia tăng tình trạng bất ổn chính trị và khủng bố ở khu vực Trung Sahel.
Báo cáo IEP cho thấy xung đột đang ngày càng được quốc tế hóa, với 92 quốc gia hiện đang tham gia vào xung đột ngoài biên giới, nhiều nhất kể từ khi báo cáo GPI bắt đầu vào năm 2008.
Điều này làm phức tạp thêm quá trình đàm phán nhằm đạt được hòa bình lâu dài. Báo cáo GPI 2024 cũng cho biết đã có sự gia tăng đáng kể về xung đột lẫn số người thiệt mạng trực tiếp vì xung đột trong hai thập kỷ qua./.