Thông tấn xã Giải phóng: Hào khí của những người làm báo trong mưa bom, đạn lửa
Giữa mưa bom, lửa đạn, những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng vừa là chiến sỹ trên mặt trận thông tin vừa cầm súng chiến đấu với kẻ thù với một niềm tin chiến thắng.
Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải nhưng ký ức của những người làm báo nơi chiến trường vẫn luôn sống động trong dòng chảy của lịch sử. Giữa mưa bom, lửa đạn của kẻ thù, những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng (cơ quan tiền phương của Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam) vừa là chiến sỹ trên mặt trận thông tin vừa cầm súng chiến đấu với kẻ thù, hun đúc niềm tin thắng lợi cho dân tộc, góp phần làm nên đại mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giữ mạch nguồn thông tin
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các thế hệ phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã không quản ngại hiểm nguy, bám sát trận địa ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất của cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của dân tộc.
Đầu năm 1972, Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân với tinh thần “kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến.”
Trên tinh thần đó, Việt Nam Thông tấn xã đã tổ chức tuyển chọn và đào tạo nhiều lớp phóng viên để chi viện cho miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhằm đảm bảo dòng tin không bị gián đoạn.
Từ năm 1959-1975, Việt Nam Thông tấn xã đã cử vào chiến trường gần 450 người; trong đó chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng và chiến trường Nam Bộ 236 người.
Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy (75 tuổi, nguyên phóng viên khóa GP10 của Thông tấn xã Giải phóng) cho biết, năm 1972, ông là một trong 149 sinh viên được Việt Nam Thông tấn xã tuyển chọn để đào tạo nghiệp vụ viết tin, chụp ảnh của lớp phóng viên GP10.
Sau những ngày học tập khẩn trương, các phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã hành quân với khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.”
Các phóng viên GP10 đã tỏa đi chiến trường từ Bình Trị Thiên đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… tất cả đều gác lại những nỗi niềm cá nhân, tự nguyện dấn thân lên đường vì nghĩa lớn.
Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy chia sẻ, sau khi cưới vợ được 3 ngày, ông cùng đồng đội lên đường tham gia chiến trường. Những ngày tháng thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam, các cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng vừa làm rẫy, vừa chiến đấu, tác nghiệp trong điều kiện vô cùng thiếu thốn.
Có lúc bị sốt rét rừng, phải ăn đậu xanh cả tuần vì thiếu lương thực. Mặc dù khó khăn, gian khổ nhưng những nhà báo - chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng không quản ngại hy sinh, bền bỉ bám trụ khắp các chiến trường ác liệt, kịp thời phản ánh thông tin “nóng”, giữ cho “mạch nguồn” thông tin của Thông tấn xã Giải phóng luôn chảy, mặc mưa bom, lửa đạn của kẻ thù liên tục trút xuống.
Theo Nhà báo Bùi Thanh Liêm (77 tuổi, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng) trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt, đã có gần 300 liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng ngã xuống, để lại một phần máu xương tại chiến trường miền Nam.
Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh nhiều nhất trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam. Các nhà báo, liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng đã gắn liền với lịch sử hào hùng của Thông tấn xã Việt Nam và đất nước.
Trong thời chiến cũng như thời bình, dù ở vị trí công tác nào, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng đều cần mẫn, năng nổ, hăng hái làm việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xung kích nơi đầu chiến tuyến
Hồi tưởng về những năm tháng sống, chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ trong những ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nhà báo Bùi Thanh Liêm cho biết, tháng 4/1975, lực lượng kỹ thuật viên, điện báo viên luôn miệt mài duy trì làn sóng điện trước, trong và sau khi giải phóng.
Thông tấn xã Giải phóng đã "tung" ra nhiều tổ, nhóm phóng viên ở tất cả mũi tiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhà báo Bùi Thanh Liêm được giao làm Tổ trưởng tổ thông tin cánh quân 232 của mặt trận Tây-Tây Nam tiến về Sài Gòn, các ê-kíp Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng xuất bản những dòng tin, bài viết, ghi nhanh hằng ngày, hằng giờ trong những thời khắc lịch sử quan trọng nhất, chuyển về chiến khu R để chuyển phát tiếp ra Tổng xã tại Hà Nội.
Từ tháng 5/1975, Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản trụ sở Việt tấn xã và nhiều cơ sở khác của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chuyển máy móc, nhân lực từ chiến khu Tây Ninh về Sài Gòn, bắt đầu phát tin, ảnh từ Sài Gòn ra Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) để phát đi trong nước và thế giới.
Nhà báo Trần Tràng Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam khẳng định, trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng mãi là biểu tượng đặc biệt của lòng dũng cảm và trí tuệ tập thể của những người làm báo "vừa cầm bút vừa cầm súng."
Trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước đầy gian khổ, Thông tấn xã Giải phóng khẳng định vị thế là "Hãng thông tấn anh hùng," thực hiện xuất sắc sứ mệnh thông tin cách mạng.
Từ những bản tin đầu tiên phát đi ở căn cứ địa đến việc trở thành cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng không chỉ là cầu nối thông tin giữa tiền tuyến và hậu phương mà còn góp phần trực tiếp vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng đã bám sát chiến trường, vượt qua muôn vàn khó khăn, thậm chí đối mặt với bom đạn và sự hy sinh, kịp thời đưa tin, truyền đi tiếng nói của cách mạng miền Nam đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Trong ngày 30/4/1975 lịch sử, họ cùng với phóng viên Việt Nam Thông tấn xã chứng kiến và đưa tin về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, những giờ phút đầu tiên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, thế hệ người làm báo Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam rất vinh dự, tự hào được tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm góp sức cùng tập thể Thông tấn xã Việt Nam giữ vững vai trò là cơ quan Thông tấn chủ lực của quốc gia, đoàn kết, thống nhất hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới, góp phần đưa Thông tấn xã Việt Nam phát triển vững mạnh, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Thông tấn xã Giải phóng, năm 1968, Trung ương cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng 16 chữ vàng "Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ" cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tháng 9/2020, Thông tấn xã Giải phóng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.