Các cấp Hội Nhà báo tập trung triển khai tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh công nghệ

Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tác nghiệp.

Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tác nghiệp báo chí, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà báo.

Đó là khẳng định của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc năm 2025 của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra ngày 21/4 tại Hà Nội.

Hội nghị đã ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ, đồng thời chỉ ra những thách thức, đặc biệt là vấn đề hợp nhất tổ chức Hội ở các địa phương.

Chú trọng đào tạo nhân lực báo chí

Nhìn lại công tác hội năm 2024, Chủ tịch Lê Quốc Minh ghi nhận các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước đã chủ động đổi mới sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong định hướng thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp Hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn bó chặt chẽ với hội viên.

Về hoạt động trọng tâm năm 2025, Chủ tịch Hội chỉ rõ: “Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế... tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tác nghiệp báo chí, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà báo, đáp ứng yêu cầu hội nhập.”

(Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Chủ tịch Lê Quốc Minh đề nghị các cơ quan báo chí tập trung xây dựng các chuyên đề báo chí chất lượng cao, tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 100 năm... phát huy mạnh mẽ tinh thần tiên phong của Báo chí Cách mạng.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của đơn vị, Đại tá Lê Ngọc Long, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân cho hay Báo đã kiến tạo thể chế chuyển đổi số, ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, phóng viên thực hiện các mô hình quản lý, sản xuất nội dung, các dịch vụ mới dựa trên công nghệ số, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số hiện đại.

Đại tá Lê Ngọc Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Theo đó, Báo triển khai kế hoạch thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho lãnh đạo Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Báo về chương trình, chiến lược chuyển đổi số; đưa nội dung đào tạo về chuyển đổi số vào kế hoạch đào tạo hàng năm của Báo.

“Việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tạo ra nhiều cơ hội đối với sự phát triển của Báo Quân đội nhân dân trong tương lai. Báo chủ động, tích cực học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số của các cơ quan báo chí trong nước, từ đó vận dụng sáng tạo những mô hình hay, cách làm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của cơ quan báo chí trong quân đội, phù hợp với xu thế làm báo trong kỷ nguyên công nghệ số,” Đại tá Lê Ngọc Long cho biết.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các đại biểu tham quan các hiện vật, tư liệu quý giá về Báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN)

Tham luận tại Hội nghị toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện nay khoảng 70% phóng viên, biên tập viên của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có thể sản xuất tin, bài đa phương tiện cho nhiều loại hình báo chí. Trong đó, khoảng 15% phóng viên, biên tập viên tập trung sản xuất các tác phẩm chuyên sâu.

Theo ông Hà, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được thành lập từ đầu năm 2019, trên cơ sở hợp nhất Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long và Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh. Đây là một bước đi chiến lược trong việc tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức mạnh truyền thông của báo chí địa phương.

Tuy nhiên, sự hợp nhất này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với đội ngũ người làm báo. Bởi lẽ trước đây, mỗi người thường chỉ chuyên sâu trong một hoặc hai loại hình báo chí, nhưng bây giờ yêu cầu đặt ra là họ phải trở thành những nhà báo đa phương tiện thực thụ, có khả năng tác nghiệp linh hoạt, sáng tạo nội dung cho cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và cả các phương tiện, nền tảng truyền thông mới.

Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Báo Công luận)

Trước thử thách này, trong giai đoạn đầu vận hành mô hình Trung tâm Truyền thông, Hội Nhà báo Quảng Ninh tập trung vào việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản về nghiệp vụ báo chí đa phương tiện cho hội viên.

Theo ông Hà, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, nhiều địa phương đang tiến tới hợp nhất các cơ quan báo chí, những nội dung mà tỉnh Quảng Ninh thực hiện có thể là kinh nghiệm quý.

Gỡ khó trong bối cảnh tinh giản

Cùng chia sẻ về chủ trương tinh gọn bộ máy, nhiều chi hội thẳng thắn nêu lên những thách thức trong hoạt động hội.

Cụ thể, ông Mai Đức Thông, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang đặt vấn đề: "Việc hợp nhất các Hội nhà báo các tỉnh đặt ra yêu cầu Điều lệ Hội phải có những tính toán phù hợp với tình hình mới. Trước đây, nòng cốt của Hội thường là chi hội báo và đài phát thanh, truyền hình. Nay, khi các cơ quan này sáp nhập, tôi đề nghị thường trực Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để các cấp Hội địa phương có thể triển khai một cách thống nhất và hiệu quả."

Yêu cầu hiện nay đòi hỏi các nhà báo phải đa năng, đa nhiệm hơn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng chung quan điểm, ông Lê Trọng Lập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, nhấn mạnh đến việc thực hiện Nghị quyết 18. Ông đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt chú trọng đến hai vấn đề cốt lõi. Thứ nhất là vai trò của tổ chức chính trị-xã hội, và thứ hai là vai trò của tổ chức nghề nghiệp. Làm thế nào để hài hòa các chức năng này trong bối cảnh hiện nay là một bài toán không dễ.

Ông Lập chỉ ra thực tế, hiện nay, tất cả các cơ quan báo và đài ở địa phương đều đã hoặc đang trong quá trình sáp nhập. Điều này dẫn đến việc các Hội cấp tỉnh và chi hội cơ sở chỉ còn lại một đầu mối duy nhất. Cơ chế quản lý và phương pháp sinh hoạt Hội khi sáp nhập vào Mặt trận Tổ quốc cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để vẫn đảm bảo tiếng nói cho hội viên và tổ chức hội.

Đặc biệt, ông Lập băn khoăn với việc sáp nhập Hội Nhà báo với Hội Văn học nghệ thuật ở một số tỉnh, trong đó có Hà Giang bởi cách làm của hai hội không giống nhau, có sự khác biệt về đặc thù hoạt động.

Chia sẻ góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho rằng các nhà báo Việt Nam đang sống và làm việc trong những ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Những biến động sâu rộng của đất nước trong thời gian qua, điển hình là việc triển khai Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cùng với việc xây dựng Luật Báo chí sửa đổi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đã tạo ra một giai đoạn chuyển giao quan trọng.

Theo Thứ trưởng, đây là thời điểm hội tụ mọi yếu tố tác động đến báo chí trên mọi phương diện, từ cách thức tác nghiệp, nội dung truyền tải thông tin, đến đời sống của những người làm báo, và cả cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng cũng thông tin về sự quan tâm sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển của báo chí.

"Bộ trưởng đã và đang có những buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị quản lý báo chí, các cơ quan báo chí chủ lực của cách mạng. Mục tiêu lớn nhất là làm sao để Luật Báo chí sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, thể hiện một cách sâu sắc tính chất lịch sử, vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận của báo chí trong giai đoạn phát triển mới của đất nước," ông Lê Hải Bình nhấn mạnh./.