Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò quốc gia đảm bảo cho Palestine
Tổng thống Erdogan đề xuất triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế có sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẵn sáng đóng vai trò quốc gia đảm bảo cho Palestine trong giải quyết căng thẳng với Israel.
Theo hãng tin TASS, phát biểu tại phiên họp Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/10, Tổng thống Erdogan đề xuất triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế có sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ông Erdogan nêu rõ nước này sẽ luôn có trách nhiệm trong việc mở đường cho nền hòa bình lâu dài.
[Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan kêu gọi ngừng bắn để cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza]
Ông nhấn mạnh vai trò của các quốc gia bảo đảm có thể coi là phương thức hiệu quả nhất trong tìm giải pháp thực tiễn cho vấn đề, ít nhất là trong ngắn và trung hạn.
Ông kêu gọi các quốc gia có thiện chí cùng đánh giá đề xuất này sớm nhất có thể để có những bước đi vững chắc, mở ra cánh cửa hòa bình.
Xung đột leo thang đỉnh điểm từ ngày 7/10 khi các phong trào Hồi giáo Hamas bất ngờ tấn công Israel, với lý do đáp trả những hành động của giới chức Israel liên quan đền thờ Al Aqsa ở Núi Đền, thành cổ Jerusalem.
Đáp lại, Israel đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, nơi có 2,3 triệu người Palestine sinh sống, và thực hiện các cuộc không kích dải đất này và lan sang cả Liban, Syria. Giao tranh cũng diễn ra ở cả Bờ Tây.
Trong ngày 25/10 (giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu đối với các đề xuất của Mỹ và Nga về nghị quyết liên quan cuộc xung đột. Mỹ và Nga đều muốn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết nhằm giải quyết vấn đề thiếu thốn thực phẩm, nước, thuốc thang và điện tại Dải Gaza.
Trong khi Mỹ kêu gọi tạm dừng xung đột để tạo điều kiện cho hàng hóa cứu trợ vào Dải Gaza thì Nga muốn kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo.
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên dự kiến sẽ bỏ phiếu về các đề xuất vào sáng sớm 26/10, giờ Việt Nam.
Nghị quyết được thông qua nếu nhận đc ít nhất 9 phiếu thuận và không có nước nào trong số 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc) bỏ phiếu phủ quyết./.