Tòa án Kenya gia hạn lệnh tạm dừng triển khai cảnh sát tới Haiti

Liên hợp quốc cho biết hơn 2.400 người đã thiệt mạng vì bạo lực ở Haiti kể từ đầu năm đến nay. Các phần tử vũ trang đặc biệt nhắm vào các trường học, phụ nữ và nữ sinh.

Người dân sơ tán tránh bạo lực tại Port-au-Prince (Haiti), ngày 15/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tòa án Tối cao Kenya ngày 24/10 đã gia hạn lệnh cấm chính phủ nước này triển khai cảnh sát tới Haiti theo sứ mệnh hòa bình do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm hỗ trợ ổn định tình hình tại quốc gia Caribe.

Phán quyết được đưa ra 1 ngày sau khi Liên hợp quốc cảnh báo tình hình an ninh ở Haiti đang diễn biến hết sức nghiêm trọng bởi số lượng tội phạm đã lên đến “mức cao kỷ lục.

”Hồi đầu tháng 10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết triển khai phái bộ đa quốc gia do Kenya dẫn đầu tới hỗ trợ cảnh sát Haiti ổn định tình hình. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Kenya sau đó đã ban hành lệnh dừng tạm thời khi chính trị gia đối lập Ekuru Aukot kiện chính phủ nước này, cho rằng hoạt động triển khai cảnh sát tới Haiti là vi hiến vì không được căn cứ theo bất cứ luật hay hiệp ước này.

[LHQ thông qua nghị quyết triển khai phái bộ an ninh nước ngoài ở Haiti]

Thẩm phán Tòa án Tối cao Kenya Enock Mwita thông báo vấn đề trên sẽ được đưa ra xem xét trong phiên tòa mở từ ngày 9/11. Thông tin chi tiết về việc triển khai lực lượng cảnh sát của Kenya vẫn chưa được hoàn thiện và quốc hội nước này vẫn chưa phê chuẩn theo yêu cầu của pháp luật, mặc dù Chính phủ Kenya hôm 13/10 tuyên bố đã “thông qua” kế hoạch này và trình nghị quyết lên cơ quan lập pháp của quốc gia Đông Phi.

Nhiều tháng qua, Haiti chìm trong làn sóng bạo lực sau khi các băng nhóm vũ trang giành quyền kiểm soát nhiều vùng đất rộng lớn  giữa lúc các cuộc khủng hoảng y tế công cộng, chính trị và kinh tế nối tiếp xảy ra tại nước này.

Liên hợp quốc cho biết hơn 2.400 người đã thiệt mạng vì bạo lực ở Haiti kể từ đầu năm đến nay. Các phần tử vũ trang đặc biệt nhắm vào các trường học, phụ nữ và nữ sinh. Theo ước tính của Liên hợp quốc, hàng nghìn người đã bị bắt cóc tại Haiti và hơn 200.000 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.

Hoàng Minh (TTXVN/Vietnam+)