Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa đã tăng nhẹ trở lại

Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự tăng nhẹ trở lại; trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tuần thứ 2 liên tiếp do nguồn cung mới được bổ sung từ vụ thụ hoạch đang diễn ra.

Nông dân An Giang khẩn trương thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự tăng nhẹ trở lại.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tuần thứ hai liên tiếp do nguồn cung mới được bổ sung từ vụ thụ hoạch đang diễn ra.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, hầu hết các loại lúa tuần qua có sự tăng nhẹ trở lại từ 100-500 đồng/kg. Điển hình như Đài thơm 8 từ 7.800-8.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; OM 18 cũng tăng 200 đồng/kg lên từ 7.600-7.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.500-7.700 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; IR 50404 từ 7.200-7.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 từ 7.300-7.400 đồng/kg, cũng tăng 100 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800- 8.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Nhờ phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt cùng với thời tiết thuận lợi, nông dân tỉnh Bến Tre đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, với niềm vui trúng mùa, được giá và thoát được hạn mặn.

Hiện tại, giá bán lúa trung bình 10.000 đồng/kg (tùy loại), tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Với năng suất và giá bán như trên, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân thu lãi khá. Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 tỉnh Đồng Tháp xuống giống 189.071ha, đạt 100% so với kế hoạch, diện tích thu hoạch 65.507ha, năng suất bình quân 69,2 tạ/ha, diện tích lúa còn lại đang giai đoạn đẻ nhánh-trổ chín.

Hiện nay, giá lúa Đông Xuân chất lượng cao như Đài thơm 8, OM18 có giá bán tại ruộng là 7.800-8.000 đồng/kg, cao hơn vụ lúa Đông Xuân cùng kỳ năm trước từ 800-1.000 đồng/kg. Giá lúa thường IR 50404 tại ruộng giá 7.400 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại giá lúa xuống thấp so đầu tháng Một vừa qua hơn 2.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, năng suất lúa Đông Xuân năm nay tương đương năm ngoái, nông dân vui mừng khi giá lúa đầu năm lên hơn 10.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá lúa giảm xuống còn 8.000 đồng/kg, làm mất đi khoảng lãi lớn của nông dân.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Nhà máy xay xát Tân Long, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 600 USD/tấn, giảm so với mức 625-630 USD/tấn một tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá giảm là do dự đoán nguồn cung sẽ tăng trong những tuần tới do vụ thu hoạch đang diễn ra. Tuy vậy, thương nhân này cho rằng giá gạo sẽ không giảm thêm nữa do nhu cầu vẫn mạnh; trong đó Indonesia cho biết sẽ tăng cường thu mua trong năm nay.

Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ vẫn ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - được chào bán ở mức kỷ lục 546-554 USD/tấn trong tuần này, không thay đổi so với tuần trước.

Còn tại Bangladesh, giá gạo trong nước vẫn tăng trong tuần này do năng suất và dự trữ tốt. Chính phủ Bangladesh tiếp tục bán ngũ cốc thiết yếu với mức giá trợ cấp để hỗ trợ những người nghèo ứng phó với lạm phát cao. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 615 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá vẫn ở mức cao do nguồn cung từ vụ thu hoạch mới chỉ vừa bắt đầu được đưa ra thị trường.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago Mỹ (CBOT) đi ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm, còn giá đậu tương tăng. Khép phiên này, giá ngô giao tháng Năm tới giảm 4,75 xu (1,11%) xuống 4,2475 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 18,5 xu (3,21%) xuống 5,5775 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng Năm tới tăng 10,5 xu (0,92%) lên 11,5125 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg). Giá lúa mỳ kỳ hạn của Mỹ đi xuống trong bối cảnh giá lúa mỳ kỳ hạn tại thị trường Paris giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Giá ngô giảm là do ảnh hưởng từ giá lúa mỳ đi xuống. Trong khi đó, giá đậu tương tăng nhờ sự hỗ trợ từ sản lượng thu hoạch ở Brazil ít hơn. Những biến động trên thị trường hàng hóa bắt đầu gia tăng khi mùa trồng trọt mới ở Bắc bán cầu sắp diễn ra.

Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago cho rằng giá các nông sản đang gần chạm đáy. Báo cáo vụ mùa tháng Ba này của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ được công bố vào ngày 8/3 tới. Dự báo sẽ có mưa trên khắp Brazil và Argentina tạo thuận lợi cho hoạt động trồng ngô. Dự báo không có thời tiết khắc nghiệt kéo dài.

Khách hàng Algeria thưởng thức các sản phẩm càphê Việt tại Trung tâm Thương mại Bab Ezzouar, thủ đô Algiers. (Ảnh: Huỳnh Trung Khánh/TTXVN)

Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London nối tiếp xu hướng tăng. Giá càphê Robusta giao tháng Năm năm nay tăng thêm 48 USD lên 3.143 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng Bảy tới tăng 31 USD lên 3.057 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York đảo chiều giảm. Giá càphê Arabica giao tháng Nẳm tới giảm 1,05 xu xuống 183,30 xu/lb và giá càphê Arabica giao tháng Bảy tới giảm 1,30 xu xuống 181,40 xu/lb (1 lb = 0,4535kg). Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình. Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng từ 800-900 đồng, lên dao động trong khung 84.800-85.500 đồng/kg.

Chỉ số đồng USD tăng mạnh đã làm đà hồi phục trên sàn London bị chững lại ngay từ giữa phiên, chỉ đến khi gần cuối phiên giá càphê Robusta mới lấy lại được màu xanh khi chỉ số đồng USD sụt giảm trở lại. Giá càphê Robusta hồi phục trở lại do nguồn cung từ các nhà sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á vẫn có giá cao.

Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu càphê trong tháng Hai vừa qua chỉ đạt 160.000 tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, khiến thị trường tiêu thụ toàn cầu lo ngại thiếu hụt nguồn cung, trong bối cảnh tồn kho ICE-Europe vẫn còn quanh quẩn ở mức thấp kể từ 2014.

Báo cáo chỉ số PCE của Mỹ thấp hơn kỳ vọng đã khiến thị trường dấy lên suy đoán khả năng Fed sẽ mạnh tay trong vấn đề lãi suất để ngăn chặn đà lạm phát có khả năng bùng nỗ trở lại ngay trong phiên họp tháng Ba này. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu cơ đã làm chỉ số đồng USD tăng giảm thất thường kéo theo sự biến động giá cả mạnh mẽ trên các sàn hàng hóa được thanh toán bằng “đồng bạc xanh” nói chung./.