Hành lang sông Sài Gòn là điểm nhấn trong quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh xác định quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của thành phố thời gian tới và xem đây là điểm nhấn trong xây dựng quy hoạch lần này.
Chiều 2/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine."
Hội thảo có sự phối hợp của các chuyên gia Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR).
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện 3 quy hoạch: Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung thành phố Thủ Đức cùng thời kỳ với quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết đây là 3 quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Việc nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị của sông Sài Gòn trong quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức rất có ý nghĩa.
Thành phố xác định quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của thành phố thời gian tới và xem đây là điểm nhấn trong xây dựng quy hoạch lần này.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý đến việc bảo tồn và phát triển các giá trị của sông Sài Gòn trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh chịu nhiều tác động, thách thức của biến đổi khí hậu. Trong đó, vấn đề đặt ra là bảo tồn các giá trị tự nhiên văn hóa nhưng cũng khai thác hợp lý trong quá trình phát triển.
Hy vọng hội thảo sẽ mang lại những ý tưởng mới, giải pháp sáng tạo, hướng đến một kết quả quy hoạch và quản lý phát triển hiệu quả, đột phá hành lang sông Sài Gòn.
Trong báo cáo Quy hoạch Phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu.
Phân khu 1 (khu Bắc kết nối bản sắc) dài 48km, từ thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, được đề xuất phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.
Phân khu 2 (giao diện trù phú và bao trùm) dài 25km, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một, tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này.
Phân khu 3 (Thanh Đa trải nghiệm hạnh phúc) dài 13,5km, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, được đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp-giải trí ngập nước rộng 300ha.
Phân khu 4 (khu trung tâm cánh cửa tương lai) dài 16km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52, được đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng.
Bà Nguyễn Thu Trà, Giám đốc Dự án Quy hoạch Chiến lược Phát triển Hành lang sông Sài Gòn (AVSE Global), cho rằng sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình của Thành phố Hồ Chí Minh.
Hành lang sông Sài Gòn với các đặc trưng độc đáo chính là xương sống tinh thần và thiên nhiên của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đó là đặc trưng về giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam, với biểu tượng là Bến Nhà Rồng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước; bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ; đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương; tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học đẳng cấp thế giới; thách thức lũ lụt khiến Thành phố nằm trong số những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo bà Nguyễn Thu Trà, quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn thực sự phải là điểm nhấn, là xương sống trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đạt được tầm nhìn phát triển của thành phố. Đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của thành phố chính là một trong những chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển cho thành phố trong 30 năm tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tiềm năng kinh tế dọc hành lang sông Sài Gòn bao gồm kinh tế dịch vụ địa phương như du lịch sông nước, văn hóa và giải trí, kinh tế đêm; kinh tế dịch vụ dẫn dắt vùng như thương mại, dịch vụ kinh doanh, logistics; kinh tế xanh và số hướng đến tương lai với các giải pháp kỹ thuật số nhằm tăng hiệu suất và tối ưu nguồn tài nguyên cho các doanh nghiệp và thành phố; phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế và bất động sản./.