Thị trường nông sản: Nhu cầu lớn giúp giá gạo Ấn Độ ổn định ở mức cao
Nhu cầu mạnh mẽ từ Bangladesh đã củng cố giá gạo Ấn Độ trong những tuần gần đây, khi Chính phủ Bangladesh có kế hoạch nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong vài tháng tới để tích trữ dự trữ...
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ giữ vững quanh mức cao nhất trong hơn một năm trong tuần này, do nhu cầu từ nước láng giềng Bangladesh vẫn mạnh. Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung và nhu cầu lên cao đã giúp tăng giá gạo Thái Lan.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không thay đổi so với tuần trước, ở mức 379-387 USD/tấn. Nhu cầu mạnh mẽ từ Bangladesh đã củng cố giá gạo Ấn Độ trong những tuần gần đây, khi Chính phủ Bangladesh có kế hoạch nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong vài tháng tới để tích trữ dự trữ và hạ nhiệt giá cao trong nước.
Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này đã đưa ra quyết định cuối về nhập khẩu 530.000 tấn gạo từ Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar theo các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ. Bangladesh cũng đang đàm phán để mua thêm.
Đáng chú ý, Ấn Độ đang xem xét có nên hạn chế xuất khẩu gạo 100% tấm hay không, sau khi diện tích trồng lúa tại nước này suy giảm do lượng mưa ít. Giới quan sát lo ngại quyết định đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ lên 416 - 420 USD/tấn, từ 415- 416 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân tại Bangkok cho hay nhu cầu nội địa cho gạo Thái Lan vẫn rất lớn, trong khi một đơn hàng cho Iraq vẫn được hoàn thành từng bước.
Tuy nhiên, một thương nhân khác cho biết đã có một số vấn đề về nguồn cung và vận chuyển do lũ lụt và mưa lớn.
[Việt Nam cam kết tuân thủ theo quy luật thị trường về giá lúa gạo]
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 390-393 USD/tấn, không đổi so với hai tuần trước do các thị trường đóng cửa vào tuần trước cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm, do điều kiện thời tiết xấu đang ảnh hưởng đến sản xuất gạo của Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong phiên giao dịch 9/9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ đồng loạt tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 16,5 xu Mỹ (tương đương 2,47%) lên 6,85 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 tăng 40,5 xu Mỹ (4,89%) lên 8,695 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 26,25 xu Mỹ (1,89%) lên 14,1225 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố Báo cáo mùa vụ tháng 9/2022 vào thứ Hai (12/9) và thị trường dự kiến sẽ có phản ứng khá lớn. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự kiến các đợt tăng giá gần hoặc cao hơn 7 USD đối với ngô giao tháng 12 và 14,40 USD trở lên đối với đậu tương giao tháng 11. Trong khi đó, xu hướng giá lúa mì sẽ phụ thuộc vào tình hình hành lang xuất khẩu của Ukraine.
Argentina là nước bán ra nhiều đậu tương trong tuần này. Trung Quốc được cho là đã mua 19 - 23 chuyến hàng cho tháng 10/11 trong những ngày gần đây. Quốc gia châu Á cũng đã đặt từ 10 - 12 chuyến hàng đậu tương của Mỹ và từ 20-24 chuyến hàng từ Brazil trong tháng 2-3/2023.
Giá lúa mỳ Ấn Độ tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt. AgResource cho rằng sản lượng lúa mì năm 2022 của Ấn Độ nằm trong khoảng từ 92-95 triệu tấn, điều này sẽ buộc Ấn Độ nhập khẩu từ 4 triệu tấn đến 6 triệu tấn lúa mỳ trong quý 4 năm nay.
Thị trường càphê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 9/9, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe - London (Anh) đi xuống. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 12 USD xuống 2.264 USD/tấn, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 2 USD còn 2.253 USD/tấn.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York (Mỹ) đảo chiều tăng. Hợp đồng giao tháng 12/2022 tăng 6,30 xu Mỹ lên 228,50 xu/lb trong khi kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 5,95 xu lên 222,65 xu/lb.
Trong khi đó, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100-200 đồng, xuống dao dộng trong khung 48.300-48.800 đồng/kg.
Hải Quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu càphê tháng 8/2022 đạt 112.531 tấn (tương đương 1.875.517 bao 60 kg), giảm 1,16% so với tháng trước và giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu của giai đoạn từ tháng 1-8/2022 đã tăng 15,31% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là thông tin đã khiến giá càphê Robusta kỳ hạn tại London suy yếu trở lại cho dù báo cáo tồn kho tại sàn vẫn tiếp tục sụt giảm./.