Mỹ công bố hướng dẫn pháp lý về việc áp trần giá dầu Nga

Hướng dẫn của Bộ Tài chính Mỹ có đoạn những người mua dầu mỏ của Nga với giá cao hơn mức giá trần mà cố tình cung cấp tài liệu sai lệch có thể bị điều tra vì vi phạm lệnh trừng phạt.

Một cơ sở lọc dầu tại khu vực Slonim. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Bộ Tài chính Mỹ ngày 9/9 ban hành hướng dẫn mới liên quan đến kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga, cho biết các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải sẽ không phải chịu trách nhiệm về thông tin giá dầu sai lệch do người mua và người bán dầu Nga cung cấp.

Hướng dẫn của Bộ Tài chính có đoạn những người mua dầu mỏ của Nga với giá cao hơn mức giá trần mà cố tình cung cấp tài liệu sai lệch có thể bị điều tra vì vi phạm lệnh trừng phạt. Các chính phủ tham gia áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga sẽ chia sẻ thông tin để hỗ trợ quá trình điều tra này.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý kêu gọi các nước tham gia từ chối cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính, môi giới, hàng hải và các dịch vụ khác cho tàu chở dầu và các sản phẩm dầu của Nga có giá cao hơn mức giá trần mà G7 sẽ ấn định.

Bộ Tài chính cho biết các nhà cung cấp dịch vụ này nên lưu giữ hồ sơ về các chuyến tàu chở dầu của Nga trong 5 năm. Theo hướng dẫn của bộ, trường hợp nhà cung cấp dịch vụ không có quyền tiếp cận trực tiếp đối với giá chuyến hàng và được khách hàng chứng thực điều đó, nhà cung cấp đó sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm lệnh trừng phạt do những người có hành động "thiếu thiện chí" tìm cách vi phạm hoặc trốn tránh biện pháp (áp giá trần dầu của Nga).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã cảnh báo các công ty này nên "cảnh giác" về những dấu hiệu như bằng chứng về các hành vi vận chuyển lừa đảo, từ chối cung cấp thông tin giá mặt hàng được yêu cầu, các điều khoản có lợi bất thường, hoặc chi phí dịch vụ cao quá mức. Bất kỳ dấu hiệu cho thấy các tài liệu bị chỉnh sửa, công ty mới thành lập và các tuyến đường vận chuyển bất thường cũng cần chú ý.

[G7 thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga]

Bộ Tài chính cho biết các quốc gia tham gia áp giá trần sẽ làm việc cùng nhau để ấn định mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về tội phạm tài chính và tài trợ cho khủng bố, nói rằng mức giá trần nên được ấn định cao hơn chi phí sản xuất biên của dầu mỏ Nga và cân nhắc đến các mức giá "lịch sử" đã được thị trường chấp nhận.

Theo bà Rosenberg, trong những tuần tới nhóm G7 sẽ họp để ấn định mức giá trần được áp cho dầu xuất khẩu của Nga và "xúc tiến các chế tài" cụ thể về cách thức triển khai thực hiện.

Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã khiến hàng hóa nhập khẩu của Nga sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất trong nước của nước này. Đồng thời, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đã được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng 60%, giúp bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng xuất khẩu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dầu cho các nước tham gia áp mức giá trần do G7 thông qua./.

Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)