Thị trường chứng khoán xuất hiện những tín hiệu tích cực trong ngắn hạn
Sự phục hồi của VN-Index trong tuần qua mang lại tín hiệu tích cực, do được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn còn thấp và triển vọng vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến một tuần giao dịch phục hồi tích cực của VN-Index với thành tích vượt mốc 1.250 điểm. Cụ thể, chỉ số đã khép lại với mức tăng 1,82% và đóng cửa tại mốc 1.250,6 điểm, sau đà đi lên từ vùng giá 1.200 điểm.
Khối ngoại mua ròng trở lại
Theo ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), sau khi phục hồi tốt ở vùng giá 1.200 điểm, VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch thuận lợi với nhiều nhóm mã luân phiên phục hồi, tăng giá tốt với thanh khoản cải thiện dần.
Tuy nhiên, thanh khoản trong tuần vẫn dưới mức trung bình với khối lượng giao dịch giảm 15,7% trên sàn HoSE.
“Sự phân hóa tích cực trên thị trường được thể hiện rõ nét qua sự nổi bật của nhóm công nghệ, đặc biệt là mã FPT và nhóm bảo hiểm trong phiên cuối tuần. Ngoài ra, điều đáng chú ý là sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại trên sàn HoSE với giá trị 1.002 tỷ đồng, sau một thời gian bán ròng mạnh,” ông Nhật chia sẻ.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2412 tăng 20 điểm (+1,54%), đóng cửa tại 1.318 điểm và chênh lệch 6,74 điểm so với VN30. Bên cạnh đó, các kỳ hạn xa hơn là VN30F2403; VN30F2506 có sự chênh lệch từ 9,54 điểm đến 13,44 điểm so với VN30. Tuy nhiên, tổng khối lượng hợp đồng giao dịch giảm 28% so với tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên.
Theo ông Nhật, VN30F2412 phục hồi cùng thanh khoản rất thấp, dự kiến xu hướng ngắn hạn sắp tới có khả năng điều chỉnh giảm sẽ quay trở lại kiểm tra vùng hỗ trợ 1.300 điểm. Khối lượng mở (OI) tuần này là 57.871 và thấp hơn so với tuần gần nhất là 44.327, cho thấy xu hướng giảm bớt các vị thế nắm giữ.
“Sự giảm mạnh về khối lượng giao dịch và khối lượng mở cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trên thị trường phái sinh cũng như báo hiệu khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn,” ông Nhật nhận định.
Xu hướng tích cực lên
Về triển vọng thị trường ngắn hạn, ông Nhật đánh giá xu hướng của VN-Index là khá tích cực. Cụ thể, chỉ số này đã vượt qua đường xu hướng giảm và hướng đến vùng 1.255 điểm-1.260 điểm (tương ứng với giá trung bình 200 phiên và vùng giá cao nhất năm 2023). Song, đây cũng là vùng kháng cự mạnh đồng thời vùng hỗ trợ gần nhất được xác định quanh mức 1.240 điểm. Vì vậy, ông Nhật cho rằng VN30 khả năng trong xu hướng giảm ngắn hạn.
Đối với xu hướng trung hạn, ông Nhật nhận định VN-Index vẫn duy trì trong kênh tích lũy rộng từ đầu năm đến nay, dao động trong khoảng 1.200 điểm-1.300 điểm.
"Xu hướng trung hạn VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1200 điểm đến 1300 điểm, mở ra triển vọng quay trở lại vùng giá 1.300 điểm khi xu hướng ngắn hạn tăng trưởng trở lại," ông Nhật cho hay đồng thời tin tưởng thị trường sẽ có triển vọng quay trở lại vùng giá 1.300 điểm khi xu hướng ngắn hạn tăng trưởng tốt hơn. Sự kỳ vọng này dựa trên định giá hấp dẫn so với quy mô nền kinh tế và kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 6,5%-7%.
Với quan điểm đồng thuận, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhấn mạnh nối tiếp đà phục hồi cuối tuần trước, các chỉ số chứng khoán trong nước duy trì đà phục hồi khả quan đồng thời chỉ báo VN-Index đã lấy lại được mốc 1.250 điểm.
Theo ông Hinh, đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước và quốc tế. Cụ thể, áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhờ sự điều chỉnh của chỉ số DXY về quanh mức 106 sau khi đồng yên tăng mạnh (do kỳ vọng Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản sẽ tiến hành tăng lãi suất trong các cuộc họp tới sau thông tin lạm phát nước này vượt mốc 2%). Cùng với đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng giảm xuống dưới 5% sau những động thái hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, thông tin về tăng trưởng tín dụng đạt trên 11% (tính đến ngày 22/11) cũng củng cố cho triển vọng tăng trưởng tín dụng năm nay (với mức 14%-15%). Những điều này sẽ góp phần hỗ trợ cho triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý cuối của năm. Mặt khác, thông tin tích cực khác bao gồm việc Quốc hội đưa phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% và khối ngoại quay trở lại mua ròng đã thúc đẩy xu hướng phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm ngành.
Đánh giá triển vọng thị trường trong tháng 12, ông Hinh cho rằng xu hướng phục hồi sẽ tiếp tục với các yếu tố hỗ trợ, như sự kỳ vọng Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục hạ lãi suất. Bên cạnh đó, nguồn cung USD trong nước sẽ cải thiện nhờ hoạt động xuất khẩu cuối năm và hoạt động giải ngân vốn FDI duy trì tích cực cùng lượng kiều hối chảy về nước.
"Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu và dòng tiền chảy vào nền kinh tế thực chất sẽ là cú huých lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn tháng 12 và đầu năm tới," ông Hinh nhận định và đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên các nhóm ngành như công nghệ, logistics, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và theo dõi sát sao diễn biến thị trường, từ đó áp dụng chiến lược quản lý rủi ro phù hợp. Trong đó, việc lựa chọn các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý 4 có thể giúp các nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tự đánh giá khả năng chịu rủi ro của bản thân và có chiến lược đầu tư phù hợp trước khi đưa ra quyết định./.