Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch các tỉnh Lai Châu và Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các quyết định về kế hoạch thực hiện quy hoạch các tỉnh Lai Châu và Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng trồng hoa hồng ở Tam Đường (Lai Châu). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ngày 29/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Kế hoạch, tỉnh Lai Châu sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án lớn, quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển nhưng không huy động được nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm đồng bộ, hiện đại; đầu tư hạ tầng đến vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng văn hóa xã hội; quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là chuỗi đô thị theo trục động lực và các vùng kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Cụ thể các dự án: Cao tốc Bảo Hà (Lào Cai)-Lai Châu (CT.13); cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ: 4H, 4D, 12, 32, 279D, 279; đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai; hầm đường bộ qua đèo Khau Co và các tuyến kết nối; Hồ Giang Ma; Hồ Phiêng Lúc; Hồ Căn Co; Kè chống sạt lở bảo vệ dân cư, cơ sở hạ tầng tại các huyện Phong Thổ, Than Uyên, Mường Tè; xây dựng các công trình cấp, trữ nước huyện Mường Tè…

Đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: Hạ tầng giao thông; khu kinh tế; khu, cụm công nghiệp; công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản (nhất là đất hiếm); các khu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung, các dự án chế biến nông lâm sản; nguồn điện và lưới điện; hạ tầng logistics, hệ thống bến cảng đường thủy nội địa, cảng cạn; khu đô thị; khu, điểm du lịch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ...

Tại Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 29/11/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối nội vùng và liên vùng; tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển theo "4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực và 3 hành lang phát triển" được xác định trong Quy hoạch tỉnh.

Ưu tiên đầu tư các dự án, chương trình có sức lan tỏa, có vị trí, ý nghĩa quan trọng, giải quyết nhu cầu bức thiết về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trọng tâm là Hạ tầng thiết yếu thúc đẩy 5 cụm ngành quan trọng, đột phá trong Quy hoạch tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, hạ tầng phát triển kinh tế đô thị, các khu công nghiệp, hạ tầng thông tin và truyền thông, chuyển đổi số và hạ tầng thủy lợi, bảo vệ nguồn nước…

Vùng trồng nha đam tập trung tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh Ninh Thuận sẽ huy động tối đa nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác; ưu tiên thu hút đầu tư vào 5 cụm ngành quan trọng, đột phá đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách khuyến khích của tỉnh về đầu tư, khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới công nghệ, phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, phát triển mạnh các loại hình du lịch chất lượng cao và các sản phẩm công nghiệp chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu ứng dụng công nghệ cao.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…/.