Thị trường chứng khoán: Nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trung hạn
Mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới, xu hướng dòng tiền có khả năng sẽ dịch chuyển từ kênh tiền gửi sang các kênh đầu tư khác, trong đó có thị trường chứng khoán.
Các đánh giá gần đây cho thấy ngoài những rủi ro điều chỉnh về kỹ thuật trong ngắn hạn, chủ yếu đến từ cung chốt lời sau chu kỳ tăng kéo dài, các yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán đi lên trong trung và dài hạn tiếp tục được duy trì và chuyển biến tích cực.
Thị trường tập trung nhiều hơn vào trung hạn
Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI, cho rằng giai đoạn hiện tại và cho cả tháng 9, VN-Index chưa có những tín hiệu kỹ thuật ủng hộ cho xu hướng ngắn hạn rõ nét. Tuy nhiên, quá trình tích lũy cho trung hạn của thị trường sẽ xuất hiện sự nổi trội của những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tích cực.
Theo bà Phương, những rủi ro điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn đã gia tăng sau chu kỳ tăng của thị trường kéo dài từ tháng Năm. Song, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12,6 lần cho ước tính 2023 và mức định giá này thấp hơn trung bình của 5 năm là 14,5 lần và trung bình năm 2021 là 15,6 lần.
[Khối ngoại vẫn đang duy trì đà bán ròng, chưa đáng lo ngại]
Về trung và dài hạn, bà Phương nhận định thị trường sẽ tập trung nhiều hơn sang năm 2024 với mức định giá P/E của VN-Index ước tính đang ở mức hấp dẫn là 9,6 lần.
Căn cứ, kết quả kinh doanh quý 2/2023 của các doanh nghiệp niêm yết, bà Phương cho rằng lợi nhuận ở nhiều nhóm ngành có thể đã tạo đáy và tăng trưởng lợi nhuận dần đi lên từ quý 3, do yếu tố “mức nền cao” ở năm 2022 sẽ giảm dần bên cạnh đó kỳ vọng các chính sách từ Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index đã vượt qua biến động điều chỉnh và lấy lại cân bằng trong tháng Tám với tổng giá trị khớp lệnh đạt 22,43 tỷ đơn vị, đây là mức cao nhất trong năm 2023. Bà Phương nhấn mạnh điều này cho thấy sự nhộn nhịp của thị trường đã quay trở lại.
“Sau khi quay lại xu hướng chính tính từ tháng Năm, thị trường chứng khoán cần sự tích lũy ở xu hướng hiện tại và khả năng kéo dài xuyên suốt trong chu kỳ tháng 9. Quá trình tích lũy khả năng sẽ diễn ra trong kênh giá 1.180-1.295 điểm,” bà Phương chia sẻ.
Dòng tiền dịch chuyển sang kênh chứng khoán
Có chung nhận định trên, báo cáo của Công ty chứng khoán An Bình (ABS Research) dự báo trong tháng 9, VN-Index khả năng tăng lên vùng 1.275-1.290 điểm với thanh khoản ổn định trên 20.000 tỷ đồng/phiên.
Đưa ra dự báo trên, ABS dựa trên căn cứ đánh giá nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu sẽ phục hồi từ quý 3, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Thêm vào đó, mối quan hệ Việt-Mỹ được cải thiện nhờ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam vào ngày 10/9. Mặt khác, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tiếp tục diễn ra. Cùng với đó, giá các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam đang tăng cao trên thị trường thế giới… Và, các yếu tố tích cực này sẽ hỗ trợ kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong nước, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng và năng lượng. Lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang hồi phục dần qua từng tháng, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất khẩu cải thiện rõ nét trong 4 tháng gần đây. Trên thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm khoảng 0,85%/năm (trong tháng 8) và về bằng mức tháng 7.
Các chuyên gia phân tích của ABS cho rằng mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới, theo đó xu hướng dòng tiền có khả năng sẽ dịch chuyển từ kênh tiền gửi sang các kênh đầu tư khác, trong đó có thị trường chứng khoán, để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao.
Về điều này, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra các chính chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ tạo cơ hội giao dịch thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể sử dụng tỷ lệ đòn bẩy hợp lý, phù hợp khẩu vị rủi ro, để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của VDSC khuyến nghị thị trường có thể biến động mạnh ở vùng P/E trượt 14,8 lần của VN-Index, tương ứng 1.240 điểm. Do đó, nhà đầu ngắn hạn cần tuân thủ nghiêm chiến lược mua-bán linh hoạt, tích lũy cổ phiếu ưa thích khi giá đã điều chỉnh về vùng chờ mua.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng
Báo cáo của SSI chỉ ra trong tháng Tám, nhà đầu tư nước ngoài đã kéo dài chuỗi bán ròng sang tháng thứ năm với giá trị 2.500 tỷ đồng và đây là mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây, trước áp lực chốt lời bên cạnh việc tỷ giá tăng mạnh. Cụ thể, khối ngoại bán ròng chủ yếu tại các mã VPB và SSI với giá trị cùng tương đương 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, họ cũng mua ròng tại các mã VNM là 891 tỷ đồng, CTG là 779 tỷ đồng và VIC là 399 tỷ đồng. Hiện, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên sàn HoSE duy trì quanh ngưỡng 7%-8% và phần nào cải thiện trong thời gian gần đây.
Hoàng Việt Phương cho biết dòng tiền vào các tài sản tài chính trên toàn cầu đã chững lại trong tháng Tám. Các nhà đầu tư thận trọng, nghiêng về hoạt động tái cơ cấu danh mục thay vì tiếp tục giải ngân hay rút vốn. Cụ thể, quỹ cổ phiếu toàn cầu đã thu hẹp tốc độ giải ngân khi chỉ vào ròng 3,5 tỷ USD trong tháng 8và giảm hơn 10 lần so với tháng 7, trong đó dòng tiền vào thị trường phát triển đảo chiều rút ròng.
Nhóm phân tích của VDSC nhấn mạnh trong tháng 8, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà các nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng có những động thái giao dịch thận trọng nhất định và trái ngược với hoạt động tích cực của nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư tổ chức chuyển sang bán ròng khá mạnh. Mức độ tham gia thị trường đo lường bằng tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng giao dịch toàn thị trường.
Song, nhóm phân tích này cho rằng sự thận trọng của nhà đầu tư tổ chức có thể không ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường, đặc biệt trong môi trường lãi suất thấp và tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cá nhân. Nhưng, động thái này ít nhiều sẽ tạo nên những nhịp biến động mạnh của thị trường. Đặc biệt khi VN-Index càng lên cao (tiến đến vùng P/E 15,5-16 lần) và thiếu nền tảng cơ bản hỗ trợ, mức độ điều chỉnh có thể mạnh và diễn ra bất ngờ, như trung tuần tháng 8./.