Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước Toàn quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hội nghị tập trung đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước; những kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém.
Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với Doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với Ủy ban Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Trước khi vào hội nghị, các đại biểu đã dành phút mặc niệm 56 nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong, mất tích do lũ ống, lũ quét tại Lào Cai những ngày vừa qua.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế-xã hội.
Doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Trong 8 tháng của năm 2023, dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước” trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt 69,4% dự toán. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại, xuất siêu gần 20,2 tỷ USD. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.
Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro. Chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn về sức ép lạm phát. Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp.
Theo Thủ tướng, hiện nay cả nước có gần 680 doanh nghiệp Nhà nước, nắm lượng tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, với vai trò tiên phong, nòng cốt và nắm giữ nhiều nguồn lực nhất, doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thể hiện tốt vị thế, vai trò của mình, chưa thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
[Hướng dẫn các doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại]
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Hội nghị tập trung đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước; những kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, gây cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
Đồng thời, thông qua Hội nghị, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm, nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được quan tâm thúc đẩy. Cùng với đó, Việt Nam và các đối tác khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… đang có bước tiến lớn trong quan hệ. Do đó, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Nhà nước nói riêng phải tập trung khai thác thật tốt không gian này bằng những chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh với phương châm “non cao cũng có đường trèo; đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi," “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," các bộ, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp Nhà nước với lòng yêu nước nồng nàn, trách nhiệm xã hội cao cả, sẽ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, cả nước chỉ còn 77 doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn gồm: 6 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con.
Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng doanh nghiệp Nhà nước nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn Tổng Công ty (doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đạt 580.490 tỷ đồng (bằng 53,7% kế hoạch năm và tăng 4% so cùng kỳ).
Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn hơn 10.000 tỷ đồng bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 106.472 tỷ đồng, bằng 58,6% kế hoạch năm và 109,7% so với cùng kỳ năm 2022), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 210.000 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước liền kề), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 83.000 tỷ đồng, bằng 126,5% so cùng kỳ năm trước liền kề. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 83.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đạt 18.600 tỷ đồng, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2022, Tổng công ty Viễn thông Mobifone đạt 13.466 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp Nhà nước đạt 18.195 tỷ đồng (bằng 56,7% kế hoạch năm và bằng 89% so cùng kỳ). 6/19 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thế tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2022, gồm: TKV (118,2%), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (115,3%), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (150%), VNPT (101,6%), Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (101,1%), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (103,1%).
Tổng nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp Nhà nước đạt 33.828 tỷ đồng (bằng 90,4% và tăng 1% so với cùng kỳ). Một số doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn như: TKV (9.867 tỷ đồng), PVN (7.693 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (6.000 tỷ đồng), Petrolimex (5.600 tỷ đồng), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 2.308 tỷ đồng.
Riêng kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty, ước thực hiện lũy kế đến tháng 8 năm 2023 tổng doanh thu ước đạt 781.973 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ).
Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 50.994 tỷ đồng (bằng 126% kế hoạch năm và bằng 111% so với cùng kỳ). Những doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn như: Petrolimex, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước…/.