Thị trường chứng khoán ngày 10/1: Chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường-Công ty Chứng khoán VPBank, cho rằng tỷ giá tăng mạnh có tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh đồng USD bất ngờ tăng mạnh trong những ngày gần đây, gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ còn lại, thị trường chứng khoán trong nước đã có phiên giảm mạnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/1, VN-Index giảm 15,29 điểm xuống 1.230,48 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 499,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 11.235,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 78 mã tăng giá, 338 mã giảm giá và 40 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,45 điểm xuống 219,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 49,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 765,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 42 mã tăng giá, 110 mã giảm giá và 57 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,94 điểm xuống 92,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 58,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 694 tỷ đồng. Toàn sàn có 121 mã tăng giá, 166 mã giảm giá và 122 mã giảm giá.
Sắc đỏ lan rộng tại các nhóm cổ phiếu. Ở nhóm trụ cột ngân hàng chỉ còn 3 mã tăng giá, trong khi có tới 19 mã giảm giá. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ còn 2 mã là APG và VFS tăng giá. Hàng loạt mã cổ phiếu doanh nghiệp chứng khoán còn lại ở chiều giảm giá.
Các nhóm cổ phiếu bất động sản, hóa chất, xây dựng và vật liệu, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống cũng chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, trong rổ VN30 có tới 26 mã giảm giá và chỉ có 3 mã tăng giá, 1 mã đứng giá.
Khối ngoại bán ròng 283 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 220 tỷ đồng. Tại chiều bán, STB bị bán ròng mạnh nhất với 106 tỷ đồng. Các mã SSI, HPG, HCM đều bị bán ròng hơn 30 tỷ đồng mỗi mã. Khối ngoại cũng bán ròng 16 tỷ đồng trên HNX và 47 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Đồng USD bất ngờ tăng mạnh trong những ngày gần đây, gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ còn lại; trong đó có VND. Tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh và trở thành "ẩn số" quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2025.
Tính đến 14h ngày 10/1 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) đã leo lên mức 109,31 điểm. Đây cũng là vùng điểm cao nhất của chỉ số này kể từ cuối năm 2022 đến nay.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng vài ngày đầu năm 2025, DXY đã có vài phiên neo ở mức trên 109 điểm. Sự mạnh lên bất ngờ của đồng xanh đã gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ còn lại; trong đó có VND. Tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh trong những ngày đầu năm.
Trong sáng nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.338 VND/USD, tăng 8 VND. Đây cũng là 3 phiên liên tiếp Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm.
Giới phân tích khuyến nghị tỷ giá là yếu tố nên quan tâm, phản ánh tất cả câu chuyện về lạm phát, chênh lệch lãi suất và dòng tiền. Thống kê cho thấy mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2% thì thị trường chứng khoán thường xảy ra nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường-Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng tỷ giá tăng mạnh có tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Một trong những ảnh hưởng mang tính gián tiếp liên quan đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) là gây sức ép bán ròng trên thị trường./.