Bà Rịa-Vũng Tàu: Các dự án mới sẽ đóng góp 5.000 tỷ đồng cho công nghiệp

Trong số các dự án lớn có nhà máy sản xuất sợi carbon vốn đầu tư 540 triệu USD của Tập đoàn Hyosung; nhà máy sản xuất pocari của Công ty TNHH Otsuka Nutraceutical Vietnam vốn đầu tư gần 100 triệu USD.

Theo Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu, ước tính trong năm 2025, các dự án công nghiệp hoạt động mới sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 5.000 tỷ đồng cho giá trị sản xuất công nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cùng đó, năm nay dự kiến có thêm 21 dự án đi vào hoạt động.

Trong số này có nhiều dự án lớn như nhà máy sản xuất sợi carbon vốn đầu tư 540 triệu USD của Tập đoàn Hyosung; tuyến ống Cái Mép-Phú Mỹ và trạm phân phối khí Phú Mỹ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Linh vốn đầu tư gần 60 triệu USD; nhà máy sản xuất pocari của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Otsuka Nutraceutical Vietnam vốn đầu tư gần 100 triệu USD.

Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh các thủ tục pháp lý (quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật…) bảo đảm các dự án vận hành đúng tiến độ đề ra.

Đơn vị cũng sẽ thường xuyên đồng hành, cập nhật thông tin của các dự án đã vận hành, các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp.

Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ nơi thu hút nhiều dự án mới của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đi vào hoạt động trong năm 2024. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết trong năm 2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu tạo ra môi trường, hệ sinh thái kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, công bố rộng rãi các dự án tỉnh đang kêu gọi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng, hiệu quả công việc của chính quyền các cấp, tỉnh đã ban hành kế hoạch rút ngắn 35-40% thời gian giải quyết hồ sơ so với quy định của 800 thủ tục; cung ứng 100% thủ tục đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; trong đó có hơn 400 thủ tục toàn trình.

Cùng với cải cách hành chính, tỉnh đang hướng đến sự phát triển dài hơi, bền vững trong tương lai với việc đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông kết nối, đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện, đồng bộ giao thông kết nối liên vùng, nội tỉnh; góp phần phát huy nội lực của các huyện, thị xã, thành phố theo định hướng của quy hoạch tỉnh trong tương lai.

Khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ở vị trí đắc địa lại càng đắc địa hơn, tạo ra lợi thế và sức hút với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tầm cỡ.

Trong năm 2024, đã có 31 dự án mới đi vào hoạt động trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhờ đó đã góp phần tăng giá trị sản xuất, tạo nguồn thu, đồng thời giúp tỉnh có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mới.

Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 12,91% so với năm 2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 10,11%.

Kết quả này là nhờ sự hoạt động ổn định của đa phần các dự án công nghiệp lớn, đã hiện hữu trong nhiều năm cùng với các dự án mới đi vào hoạt động trong năm 2024.

Tính đến nay Khu Công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ đã thu hút được 46 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư vượt mốc 4 tỷ USD từ các tập đoàn đa quốc gia, quy mô vốn lớn và áp dụng công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Riêng trong năm 2024, khu công nghiệp này đã thu hút 9 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng.

Khởi công từ cuối năm 2022, nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Coretronic thuộc Tập đoàn Coretronic Đài Loan (Trung Quốc) đã đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 từ tháng 3/2024.

Với tổng vốn đầu tư 78 triệu USD, nhà máy này chuyên sản xuất các loại màn hình có độ phân giải cao dùng cho máy tính, máy chiếu, tivi, công suất khoảng 3,9 triệu tấn sản phẩm/năm, cung ứng cho các đối tác hàng đầu thế giới.

Theo ông Domigo Jian, Giám đốc Sản xuất, Công ty Coretronic, nhà máy này sử dụng công nghệ cao, tự động hóa ở nhiều công đoạn. Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt được kết quả tốt, hiện đã có đơn hàng đến hết quý 1/2025.

“Cùng với việc liên tục nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, chúng tôi cũng sẽ tăng cường mối quan hệ với địa phương, thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đổi mới công nghệ và phát triển nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao để bảo đảm lợi thế cạnh tranh của công ty trên thị trường toàn cầu,” ông Domigo Jian nói.

Sau nhiều năm, nhà máy vận hành hiệu quả, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vard Vũng Tàu, có trụ sở tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Vard (Na Uy) đã triển khai thêm dự án Nhà máy Chế tạo cơ khí và kết cấu thép trên diện tích 15,3ha với các hạng mục: cảng công suất 5.000DWT, bãi ghép tàu, đường trượt tàu, nhà kho hậu cần, các xưởng vỏ, bảo trì, sơn và xưởng điện.

Ông Sivert Skam, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vard Vũng Tàu cho biết dù gặp một số khó khăn nhưng nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ của các nhà thầu và đội ngũ vận hành cùng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Vard Vũng Tàu đã hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đề ra.

“Chúng tôi đang có đơn hàng đóng nhiều chiếc tàu cho đối tác, có việc làm đủ đến đầu năm 2027. Việc đầu tư xây mới, mở rộng Nhà máy Chế tạo cơ khí và kết cấu thép góp phần đáp ứng cho khối lượng công việc sẽ tiếp tục tăng thêm này. Nhờ hoạch định kế hoạch rõ ràng, doanh nghiệp có việc làm ổn định cho người lao động trong dài hạn,” ông Sivert Skam nói.

Cùng với các dự án công nghiệp lớn, sử dụng công nghệ cao, năm 2024 còn có các nhà máy giúp Bà Rịa-Vũng Tàu có thêm các sản phẩm công nghiệp mới, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Dự án sản xuất xích xe đạp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Izumi MFG Việt Nam đi vào hoạt động từ đầu năm 2024. Nhà máy chuyên sản xuất dây xích cho xe đạp và xe máy với công suất 500 tấn sản phẩm/năm.

Dự án hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu các loại dây xích chất lượng cao cho thị trường quốc tế, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các phương tiện giao thông trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các sản phẩm cao cấp với giá thành phù hợp./.