Dự báo năm 2025: Kinh tế thế giới duy trì mức tăng trưởng 2,8%
Tăng trưởng giảm tốc phản ánh những khó khăn của cơ cấu kinh tế thế giới như đầu tư yếu, năng suất giảm, nợ công tăng cao và áp lực về nhân khẩu học.
Theo báo cáo được Liên hợp quốc công bố ngày 9/1, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán duy trì ở mức 2,8% trong năm 2025, không đổi so với năm 2024.
Báo cáo Triển vọng và Tình hình kinh tế thế giới của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc cho thấy mặc dù tiếp tục tăng trưởng, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng chậm hơn so với mức trung bình 3,2% trong giai đoạn 2010-2019 (khoảng thời gian trước đại dịch COVID-19).
Tăng trưởng giảm tốc phản ánh những khó khăn của cơ cấu kinh tế thế giới như đầu tư yếu, năng suất giảm, nợ công tăng cao và áp lực về nhân khẩu học.
Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến giảm từ 2,8% năm ngoái xuống 1,9% năm nay do thị trường lao động yếu đi và chi tiêu tiêu dùng giảm.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ước đạt 4,9% vào năm 2024 và khả năng 4,8% vào năm nay nhờ đầu tư vào khu vực công và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, phần nào bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng chững lại và lĩnh vực bất động sản tiếp tục yếu kém.
Trong khi đó, kinh tế châu Âu được cho là sẽ phục hồi khiêm tốn với mức tăng trưởng từ 0,9% vào năm 2024 lên 1,3% vào năm 2025, nhờ lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động có dấu hiệu tích cực.
Nam Á sẽ vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với GDP khu vực dự kiến tăng lần 5,7% vào năm 2025 và 6% vào năm 2026.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ tình hình kinh tế khả quan của Ấn Độ và sự phục hồi kinh tế tại Bhutan, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, được dự báo tăng trưởng 6,6% vào năm 2025 và 6,8% vào năm 2026, nhờ lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư tư nhân tăng mạnh.
Báo cáo cho biết các ngân hàng trung ương lớn có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào năm 2025 khi áp lực lạm phát giảm. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 4% vào năm 2024 xuống 3,4% vào năm 2025, phần nào giảm sức ép đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Báo cáo kêu gọi thế giới cần triển khai hành động đa phương mạnh mẽ để giải quyết các cuộc khủng hoảng, trong đó có nợ công, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.
Liên hợp quốc lưu ý biện pháp nới lỏng tiền tệ sẽ không đủ để phục hồi tăng trưởng toàn cầu hoặc thu hẹp khoảng cách chênh lệch đang ngày càng tăng giữa các nền kinh tế./.