Thêm một nhà sản xuất hàng đầu của Đức cắt giảm hàng nghìn việc làm
Người phát ngôn của Bosch, một trong những tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đức, cho biết họ có kế hoạch cắt giảm khoảng hơn 8.000 việc làm trên toàn cầu trong những năm tới.
Theo CNN, hàng nghìn việc làm tại tập đoàn công nghiệp khổng lồ Bosch của Đức đang bị đe dọa, thêm một đòn giáng nữa vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của quốc gia đầu tàu châu Âu.
Người phát ngôn của công ty ngày 11/12 cho biết họ có kế hoạch cắt giảm khoảng 8.250 việc làm trên toàn cầu trong những năm tới.
Bosch dự kiến cắt giảm trong lĩnh vực kinh doanh “Mobility” (Di động) - mảng cung cấp phụ tùng cho các nhà sản xuất ôtô trên toàn thế giới, trong bối cảnh doanh nghiệp này vật lộn với nhu cầu chậm chạp, chi phí cao và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
“Tình hình kinh tế khó khăn và quá trình chuyển đổi trong ngành công nghiệp ôtô đang đặt ra cho chúng tôi - giống như các công ty khác - những thách thức lớn. Điều quan trọng đối với chúng tôi là phải duy trì khả năng cạnh tranh trong những điều kiện này” - Bosch cho biết trong một tuyên bố.
Công ty cho biết thêm: "Ngành Mobility đang trải qua sự chuyển đổi sâu sắc."
Các đợt cắt giảm theo kế hoạch chiếm gần 2% lực lượng lao động toàn cầu của Bosch. “Lực lượng” của Bosch có tổng cộng khoảng hơn 429.000 người vào cuối năm 2023.
Công ty 138 năm tuổi này cũng sản xuất nhiều loại hàng tiêu dùng, bao gồm tủ lạnh và máy pha càphê, cũng như máy móc cho các công ty khác.
Tin tức này lại là một đòn giáng nữa vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nơi các nhà sản xuất danh tiếng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc, bên cạnh những bất lợi truyền thống như chi phí lao động cao, thuế suất cao và chi phí năng lượng tăng cao.
Tuần trước, hàng chục nghìn công nhân tại Volkswagen, nhà sản xuất lớn nhất của Đức, đã tham gia đình công tại các nhà máy trên khắp cả nước.
Cuộc đình công diễn ra sau nhiều tuần đàm phán thương lượng tập thể, khi Volkswagen từ chối loại trừ khả năng sa thải hàng loạt và đóng cửa nhà máy tại Đức - các biện pháp quyết liệt mà hãng này cho là cần thiết để “vực dậy vận may” của mình.
Tháng trước, Thyssenkrupp - nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức - đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 việc làm vào cuối thập kỷ này, tương đương với khoảng 40% lực lượng lao động của công ty. Hãng này cho biết một phần lý do là sự gia tăng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á.
Nền kinh tế Đức đã suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ khi đại dịch do virus corona bùng phát. Theo dự báo mới nhất từ Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) - nền kinh tế này sẽ tiếp tục suy giảm trong năm nay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 4/12 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu EU này. Trong đó, OECD kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%.
Theo báo cáo công bố ngày 22/11 của Cơ quan Thống kê Đức, trong quý 3/2024 kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,1%, giảm so với mức ước tính sơ bộ 0,2% trước đó./.