Thay đổi mới về BHYT: Giấy chuyển tuyến linh hoạt hơn, mở rộng danh mục bệnh lý
Từ năm 2025, giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế sẽ có giá trị trong vòng một năm kể từ ngày ký, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, giảm tình trạng phải liên tục làm thủ tục chuyển tuyến.
Theo Thông tư 01/2025/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành, có nhiều chính sách đổi mới quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh.
Đáng chú ý, thay vì giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có giá trị hết năm dương lịch, từ 1/1/2025, giấy này sẽ có giá trị một năm kể từ ngày ký.
Trước đây, giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế theo năm dương lịch chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12, bất kể thời điểm xin giấy trong năm. Người dân phải xin cấp lại vào đầu năm tiếp theo, gây phiền hà và tình trạng ồ ạt xin giấy chuyển tuyến đầu năm.
Từ năm 2025, giấy chuyển tuyến sẽ có giá trị trong vòng một năm kể từ ngày ký. Ví dụ, nếu giấy được cấp ngày 1/12 năm nay, nó sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/12 năm sau.
Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia bảo hiểm y tế, giảm tình trạng phải liên tục làm thủ tục chuyển tuyến.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai.
Quy định này góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, giảm chi phí di chuyển, vận chuyển người bệnh, làm giảm chi tiền túi của hộ gia đình liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời góp phần sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Quy định mới cũng bảo đảm quyền lợi của người bệnh được quản lý, theo dõi bệnh, sử dụng thuốc, thiết bị y tế mới, có chất lượng; hệ thống y tế cơ sở có điều kiện hơn để phát triển chuyên môn kỹ thuật.
Theo đó, danh mục 141 bệnh được cấp giấy chuyển tuyến năm bao gồm: nhiễm nấm chromoblastomycosa (nấm màu) và áp xe do phaeomyces; các thiếu máu tan máu di truyền khác; suy tủy xương và các bệnh thiếu máu khác; đông máu nội mạch rải rác (hội chứng tiêu fibrin); ban xuất huyết và các tình trạng xuất huyết khác; hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; suy thận mãn tính…
Theo Thông tư 01, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi chuyển bệnh nhân đi phải lập Phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định, có thể là bản giấy hoặc bản điện tử. Phiếu này có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký.
Đối với các bệnh, nhóm bệnh thuộc danh mục chuyển tuyến một năm/lần, phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giá trị sử dụng trong một năm. Nếu hết thời hạn mà người bệnh vẫn đang điều trị, phiếu sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi hoàn thành đợt điều trị.
Trường hợp phát sinh bệnh ngoài danh mục đã ghi trên phiếu, cơ sở tiếp nhận sẽ khám và điều trị theo năng lực chuyên môn và phạm vi hoạt động được cấp phép.
Nếu bệnh nhân cần thực hiện nhiều đợt điều trị, phiếu chuyển tuyến sẽ được sử dụng cho toàn bộ quá trình, với điều kiện có phiếu hẹn khám lại từ cơ sở tiếp nhận.
Ví dụ, người bệnh được chuyển tuyến để phẫu thuật mổ mắt nhưng cần hai đợt phẫu thuật cho từng mắt, phiếu chuyển tuyến sẽ có hiệu lực cho đến khi hoàn thành cả hai đợt.
Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế tư vấn, hướng dẫn người dân về các bệnh thuộc danh mục chuyển tuyến một năm/lần, đảm bảo quyền lợi tối đa.
Quy định mới hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cải thiện chất lượng điều trị và giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh./.