Thành phố Hồ Chí Minh: Mức thưởng Tết bình quân tăng hơn 3% so với năm 2024

Tết năm nay, mức thưởng bình quân tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,3% so với năm 2023; có ít nhất 47% doanh nghiệp trích thêm từ khoản lợi nhuận để tổ chức các hình thức hỗ trợ cho người lao động.

Những ngày cuối năm, câu chuyện lương, thưởng Tết luôn được công nhân, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm, theo dõi.

Dịp này, các cơ quan, doanh nghiệp đều cố gắng thu xếp để chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động. Đây là việc làm nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật, thảo ước lao động; đồng thời ghi nhận, tri ân những đóng góp của người lao động, tạo động lực cho sự phát triển chung.

Khảo sát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình trả lương, thưởng, quan hệ lao động và công tác chăm Tết năm 2025 cho thấy với nhiều cách thức khác nhau, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều cố gắng để có khoản chi thưởng Tết cũng như tổ chức các hoạt động chăm lo cho công nhân, người lao động đón Tết đầy đủ, đầm ấm.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép thể thao, ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết công ty chi thưởng Tết Nguyên đán 2025 tăng 117 tỷ đồng so với năm 2024.

Công ty đã thống nhất chi khoảng 750 tỷ đồng thưởng Tết cho hơn 39.500 người. Trong đó, mức thưởng bình quân gần 19 triệu đồng/người, tăng 2 triệu đồng so với năm 2023; mức thưởng Tết cho người lao động cao nhất là 78 triệu đồng.

Tết năm nay, mức thưởng bình quân tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,3% so với năm 2023; có ít nhất 47% doanh nghiệp trích thêm từ khoản lợi nhuận để tổ chức các hình thức hỗ trợ cho người lao động như: tặng quà Tết, phiếu mua hàng, tổ chức tất niên, xe đưa đón về quê ăn tết, thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn...

Nhiều doanh nghiệp kết hợp giải quyết phép năm để người lao động có nhiều thời gian về quê thăm gia đình cùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đại diện Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Công đoàn trao tặng vé tàu cho công nhân lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn, người lao động, không để ai bị bỏ lại phía sau,” Công đoàn Thành phố dành 51 tỷ đồng thực hiện chương trình “Tết sum vầy - Xuân đoàn kết,” “Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng Thành phố.”

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành hơn 4,5 tỷ đồng thực hiện chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025,” trao tặng hơn 600 vé tàu và vé máy bay.

Chính quyền Thành phố cùng các cơ quan chức năng, đoàn thể và các tổ chức xã hội đã dành hàng tỷ đồng tập trung cho các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho người lao động ở khu vực phi chính thức, người lao động ở các khu nhà trọ, doanh nghiệp gặp khó khăn không thưởng Tết; một số người lao động mất việc do doanh nghiệp giải thể...

Các hoạt động đã dần tạo nên hiệu ứng chung trong toàn xã hội cùng hướng về người lao động, hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Việc chăm lo, thực hiện lương, thưởng trong dịp Tết là nguồn động viên tích cực cho công nhân, người lao động thi đua sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế cho doanh nghiệp, xã hội. Đây cũng là dịp để người lao động thể hiện năng lực bản thân; tạo sự gắn bó mật thiết, lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp; khẳng định uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội.

Việc chăm lo tốt cho người lao động dịp Tết cũng chính là giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; là biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, nghỉ việc tập thể phát sinh trên địa bàn, gây ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025./.