Thành phố Hồ Chí Minh và WEF thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm và những hợp tác cụ thể từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhất là trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
Chiều 5/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang trong chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố chào đón đoàn công tác Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cảm ơn tâm huyết và sự hỗ trợ của Giáo sư Klaus Schwab đã giúp Thành phố hiện thực hóa mong muốn thành lập Trung tâm công nghiệp cách mạng 4.0 (C4IR); bày tỏ hy vọng Trung tâm không chỉ là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Diễn đàn Diễn đàn Kinh tế Thế giới mà sẽ có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển Thành phố và vùng Đông Nam bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn trong hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ tiếp nhận được kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội cho sự phát triển của Thành phố và của Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn nhận được những ý kiến tư vấn của Giáo sư Klaus Schwab và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về những trọng tâm, giải pháp phù hợp cho quá trình chuyển đổi kinh tế của Thành phố đi đúng hướng, hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững.
Cảm ơn sự gợi ý của Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới về 3 trụ cột phát triển cho Thành phố, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố xác định trụ cột nhân lực là yếu tố cần làm ngay, làm mạnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quá trình chuyển đổi kinh tế.
Thành phố mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm và những hợp tác cụ thể từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhất là trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, mong muốn Giáo sư Klaus Schwab quan tâm hỗ trợ Thành phố có những hoạt động thiết thực để trở thành một cấu thành, gắn kết với những hoạt động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ niềm vui quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh và chứng kiến sự phát triển năng động của Thành phố Hồ Chí Minh, biểu tượng của tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam.
"Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển trên 3 trụ cột là phát triển cơ sở hạ tầng, cân bằng sinh thái và đầu tư cho con người trong tương lai. Diễn đàn Kinh tế Thế giới hân hạnh là một phần của sự phát triển Thành phố và sẵn sàng hỗ trợ Thành phố phát triển trong chuyển đổi năng lượng xanh, trí tuệ nhân tạo và phát triển con người," Giáo sư Klaus Schwab nhận định.
Chúc mừng Thành phố Hồ Chí Minh đã khai trương Trung tâm công nghiệp cách mạng 4.0, Giáo sư Klaus Schwab cho biết Diễn đàn Kinh tế Thế giới hiện đang có có 22 trung tâm 4.0, nhưng rất ấn tượng với Trung tâm công nghiệp cách mạng 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh vì tại đây có được sự hỗ trợ của chính phủ và ủng hộ của doanh nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đối phó với những thách thức của thời đại.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cam kết về sự ủng hộ và hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh vì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Trao đổi với các chuyên gia Thành phố Hồ Chí Minh về những ý tưởng phát triển Thành phố, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh hiện nay, Thành phố bước vào giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế thông minh với trí tuệ nhân tạo nên rất cần có sự ủng hộ của chính phủ và doanh nghiệp để đảm bảo sự thành công.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển trí tuệ nhân tạo rất cần đến giáo dục. Phát triển công nghiệp nhưng không được bỏ quên con người, cùng với sự phát triển kiến thức kỹ thuật phải là phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo của con người. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục, đầu tư cho đào tạo giáo viên để có một nền giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời cho mỗi cá nhân trong xã hội.
Theo kế hoạch, ngày 6/10, Giáo sư Klaus Schwab sẽ tham dự Chương trình Talkshow truyền cảm hứng giới trẻ Thành phố với chủ đề “Kinh tế Tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”./.