Các FTA là bước tiến giúp nâng vị thế ngành bán lẻ Thủ đô trong hội nhập

Ngành thương mại Hà Nội trở là một trong những ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống mà còn phục vụ sản xuất công-nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Bách Hóa Tổng hợp Hà Nội (nay là Tràng Tiền Plazza) đã in đậm trong lòng người dân Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

“Sân chơi” mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành bán lẻ của Thủ đô. Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết và thực thi với các đối tác quốc tế, Hà Nội với tư cách là đầu tàu kinh tế cả nước, đã đẩy mạnh các giải pháp để tận dụng cơ hội này.

Điểm dễ nhận thấy, là ngành bán lẻ của Thủ đô như “khoác áo mới” và không ngừng lớn mạnh. Từ những cửa hàng bách hóa, tạp hóa, chợ truyền thống và một vài cửa hàng tự chọn theo mô hình hiện đại trong giai đoạn những năm đầu đổi mới (1986-1996), thì đến nay, sau 7 thập kỷ, ngành bán lẻ đã có bước tiến mạnh mẽ.

Không chỉ nhiều siêu thị, trung tâm thương mại được mở mới, mà Hà Nội còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như: Central Group (tập đoàn đa ngành hàng đầu Thái Lan), Lotte của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản… điều này không chỉ giúp người tiêu dùng tăng thêm sự trải nghiệm mua sắm, mà thông qua kênh phân phối nước ngoài, xuất khẩu hàng Việt cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Tạo dòng chảy thu hút đầu tư

Tiến sỹ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, nếu năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội chỉ là một thành phố rất nhỏ, với khoảng 380.000 dân, diện tích 130km, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc (4 Khu phố nội thành, 4 huyện ngoại thành) còn cơ sở hạ tầng thương mại cũng rất nhỏ bé.

Nhưng đến thời điểm này, Hà Nội phát triển rất mạnh cả quy mô và diện tích, đặc biệt là sau khi Hà Tây và một phần của Hòa Bình về Hà Nội. Dân số Hà Nội hiện nay là 8,5 triệu người, diện tích 3.358m2. Hà Nội có 30 đơn vị trực thuộc, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thương mại của Hà Nội có sự thay đổi căn bản và mạnh mẽ trong 7 thập kỷ qua. “Nếu trước năm 1954, Hà Nội chỉ có một số chợ, một số cửa hàng bán lẻ nhằm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân và khi đó, mức sống của người dân Hà Nội khá thấp thì ngày nay, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại của Hà Nội phát triển vượt bậc, trong đó, có gần 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và con số này còn tiếp tục phát triển,” ông dẫn chứng.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 450 chợ truyền thống, hàng chục nghìn hộ dân kinh doanh các cửa hàng bán lẻ, các máy bán hàng tự động. Cùng đó, thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng, tạo ra sự đa dạng trong lĩnh vực bán lẻ.

Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Nhấn mạnh về các hiệp định thương mại, theo ông Phương, cùng với sự thu hút đầu tư, thương mại Hà Nội phát triển cả nội địa và quốc tế. Đến nay, Hà Nội được xếp trong tốp 10 địa phương xuất khẩu. Trong năm 2023, Hà Nội xếp thứ 8, với gần 17 tỷ USD, chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

“Ngành thương mại của Hà Nội trở thành một trong những ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống của nhân dân mà còn phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội. Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực Bắc Bộ và của cả nước,” tiến sỹ Lê Quốc Phương nói.

Còn theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng Thủ đô cũng đã quen thuộc với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới, như: Winmart, Co.op Food, Ecofood, Tomita Mart,… hay các siêu thị điện máy như: Nguyễn Kim, Thế giới di động, MediaMart…

Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ còn tích cực thực hiện các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của các hình thức bán lẻ hiện đại là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế của Thủ đô.

Bên cạnh chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ của tư nhân, hệ thống thương mại đã có bước chuyển khá mạnh sang hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại văn minh hiện đại. Người dân đã dần đã quen dần với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại văn minh hiện đại, do ở đây có yếu tố văn minh thương mại, hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả được niêm yết. Khác ở ngoài chợ phải mặc cả, cùng với những mối lo về an toàn thực phẩm.

Những gánh hàng nặng trĩu mang đủ thức quà cùng những loại hàng cần thiết, từ lâu đã trở thành một phần tất yếu của nhịp sống Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Ngành thương mại của Hà Nội trở thành một trong những ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống của nhân dân mà còn phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng thương mại truyền thống (chợ) vẫn tồn tại và vẫn tiếp tục phát triển, nhiều chợ đầu mối tiếp tục được xây dựng. Chợ truyền thống tuy gọi là “truyền thống” nhưng khác trước do được đầu tư, cải tạo, xây mới. Không chỉ về mặt hạ tầng cứng, nhiều chợ đã sử dụng phương pháp thương mại hiện đại, như thanh toán không dùng tiền mặt, bán hàng online, hay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất định dù chưa so sánh được bằng bằng siêu thị trên nhiều góc độ.

Đánh giá cao vai trò của hệ thống thương mại Hà Nội, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, đóng góp của thương mại, dịch vụ Thủ đô vào tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là rất lớn, cho thấy thương mại, dịch vụ, thị trường trong nước luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Đón cơ hội thúc đẩy tăng trưởng

Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài khi 7 tháng đầu năm 2024 thành phố thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

Không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh: TTXVN)

Để có sự phát triển tương xứng với sự phát triển của Hà Nội và của đất nước, cũng như giữ vững thị trường trước sự cạnh tranh của nhiều nhà đầu tư FDI, cũng như các các địa phương khác. Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình thương mại, trong đó có việc xây mới nhiều hạ tầng thương mại.

Theo đó, Hà Nội đưa ra nhiều chính sách thuận lợi để các nhà đầu tư đến để xây mới, xây lại hoặc cải tạo hạ tầng thương mại. Đặc biệt là các loại hình thương mại văn minh hiện đại được chính quyền rất quan tâm, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều Đề án để phát triển các loại hình thương mại, tổ chức tuyến phố đi bộ để phát triển kinh tế đêm…

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của AEON là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2030, tập trung tại các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Còn theo ông Akiyama Naoki, Giám đốc Vận hành và Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, trong đó có sản phẩm từ Hà Nội, không chỉ có mặt tại 23 cửa hàng trong nước mà còn được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trong mạng lưới toàn cầu của Uniqlo./.

Người dân mua sắm tại siêu thị AEON Long Biên (Ảnh: TTXVN)