Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng tĩnh không hai cầu trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 13

Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 và cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng được thi công trong khoảng 8 tháng, hoàn thành trong năm 2025.

Sáng 31/12, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) đã khởi công dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 và dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1, dự kiến thi công trong 8 tháng.

Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 (nối quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức) có chiều dài khoảng 770m, tổng mức đầu tư dự án hơn 132 tỷ đồng.

Trong khi đó, dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1 (nối Quận 12 và thành phố Thủ Đức), chiều dài toàn dự án khoảng 759m, tổng mức đầu tư dự án hơn 110 tỷ đồng.

Giải pháp thiết kế chủ yếu là kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu bằng hệ kích thủy lực đảm bảo đồng bộ và an toàn công trình; trong đó, cầu Bình Triệu 1 sẽ được nâng chiều cao thêm 1,081m; cầu Bình Phước 1 khoảng 1,25m.

Các cầu cũng được bổ sung hệ móng cọc khoan nhồi tham gia chịu lực với hệ móng mố, trụ hiện hữu; tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu hiện hữu bằng bêtông cốt thép.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ cho biết, các cầu nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch có tính chất liên kết vùng, phương tiện giao thông đông đúc nên việc nâng cầu rất phức tạp.

Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ thực hiện dự án đúng thiết kế, ưu tiên mọi nguồn lực để đảm bảo dự án đúng tiến độ, ảnh hưởng thấp nhất đến đi lại của người dân. Dự kiến hai cầu được thi công trong khoảng 8 tháng, hoàn thành trong năm 2025.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công hai dự án. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Hai dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m. Việc nâng tĩnh không tạo điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh; giảm tải cho giao thông đường bộ, tăng kết nối vùng.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 được khai thác từ lâu, cầu đã cũ nên việc nâng cấp tĩnh không cầu là vô cùng khó khăn.

Hiện nay, các kỹ sư sẽ phải nâng tĩnh không cầu phía trên, song vẫn phải đảm bảo đi lại phía trên rất cao và để làm được việc này cần sự nỗ lực rất lớn.

Theo ông Cường, sông Sài Gòn có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội, kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương cũng như Campuchia.

Hiện trên tuyến sông có 14 cầu, chỉ còn cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 chưa đảm bảo khoảng thông thuyền tối thiểu. Vì vậy, giải pháp nâng tĩnh không cầu được xem như là một cam kết trong phát triển vùng, đảm bảo đồng bộ khai thác tuyến đường thủy quan trọng này./.