Tôn giáo nhập thế, nhân văn, nhân bản, luôn hướng con người đến cái đẹp
Với giáo lý đề cao sự bình đẳng, tôn trọng và yêu thương con người cùng tinh thần lục hòa cộng trụ, Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng nguyện, đồng hành cùng cả nước trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Phật pháp bất ly thế gian giác," đó cũng là điều hiển nhiên của một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử, một tôn giáo nhập thế, nhân văn, nhân bản, luôn hướng con người đến cái đẹp và lòng từ bi.
Mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc
Dịch COVID-19 tàn khốc đã đi qua hơn 2 năm, nhưng nhiều người vẫn chưa thể quên những tháng ngày đau thương ấy. Nếu như qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, có nhiều tăng, ni đã "Cởi áo cà sa khoác chiến bào," nhiều ngôi chùa nuôi giấu cán bộ cách mạng, thì trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, một lần nữa, khí thế ấy lại được tái hiện với hình ảnh các tăng, ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse trắng tình nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch, phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung ở các tỉnh phía Nam.
Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly cho bệnh nhân mắc COVID-19, là nơi ăn nghỉ của các tình nguyện viên, đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, hình ảnh tăng, ni, Phật tử trong màu áo blouse nơi tuyến đầu chống dịch là minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc.
Có thể thấy, tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiển hiện rõ nét không chỉ trong công tác từ thiện xã hội mà còn trên nhiều phương diện khác như chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nhà sư là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đã tham gia có trách nhiệm vào các dự án luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân.Nhận thức chùa là cơ sở, là kho tàng di sản văn hóa vô giá của dân tộc, mang đến giá trị nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước rất sâu sắc và cũng là môi trường rèn luyện đạo đức cá nhân, các vị trụ trì cùng tăng, ni, Phật tử đã nỗ lực trùng tu, xây dựng chùa cảnh tinh tiến, nhiều cơ sở thờ tự đạt tiêu chuẩn thờ tự văn minh.
Những ngôi chùa sừng sững trấn ải nơi biên cương Tổ quốc như Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Trúc Lâm Tà Lùng (Cao Bằng), hay chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây (Khánh Hòa) như những cột mốc chủ quyền tâm linh, không chỉ là nơi vỗ về tinh thần cho mỗi con dân đất Việt mà còn mang đến một cảm giác yên tâm, tin tưởng khi những tấc đất, sải biển vẫn được gìn giữ vẹn toàn.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết những nội dung mang tính chất nhân văn, nhân bản, từ bi, bác ái, cứu khổ, độ sinh, việc răn dạy người Phật tử báo đáp tứ trọng ân… trong giáo lý Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành những chuẩn mực ứng xử, thể hiện giá trị đạo đức của xã hội.
Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo, nhiều di sản vật thể và phi vật thể của Phật giáo đã được Nhà nước công nhận, trở thành nơi lưu trữ, tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
"Với giáo lý đề cao sự bình đẳng, tôn trọng và yêu thương con người cùng tinh thần lục hòa cộng trụ trong hoạt động giáo hội, tăng, ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng nguyện, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân cả nước trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cầu nối, là nơi hướng về của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, chung tay xây dựng quê hương, đất nước," ông Vũ Chiến Thắng nói.
Còn những "con sâu làm rầu nồi canh"
Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu các chức sắc, lãnh đạo 16 tổ chức tôn giáo diễn ra vào tháng 6/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm khi đó đã nhấn mạnh, các tôn giáo ở Việt Nam đã góp phần lưu giữ, bồi đắp những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực và sâu rộng trong đời sống xã hội.
Giá trị đạo đức tốt đẹp, tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo đã được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc.
Thế nhưng, ở đâu đó, vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh", đi ngược với truyền thống Phật giáo, ngược với lời dạy của đức Phật, có những sự việc làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, uy tín của Giáo hội, làm méo mó hình ảnh của những nhà sư vốn được xã hội kính trọng gọi là "thầy."
Một trong những hiện tượng làm dậy sóng dư luận xã hội mới đây là trường hợp của Thượng tọa Thích Chân Quang (ông Vương Tấn Việt), trụ trì chùa Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ những thuyết giảng gây hoang mang trong xã hội như "ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm," "ai đang trồng và bán càphê là sẽ mang nghiệp rất nặng," cổ súy cho việc giải hạn, cầu tài lộc bằng cách cúng dường…, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, cộng đồng Phật tử đã phanh phui ra việc Thượng tọa này sử dụng bằng cấp 3 giả để rồi sau đó được cấp 2 bằng đại học, 1 bằng tiến sỹ.
Thượng tọa Thích Chân Quang đã bị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.
Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang dư luận, không đưa các bài giảng của Thượng tọa này lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa nhập thất sám hối.
Trường Đại học Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội cũng tiến hành các thủ tục thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.
Hay như đại đức Thích Nhuận Đức (Tổ đình Hộ Pháp, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa- Vũng Tàu) do những phát ngôn khiếm nhã về người Khmer, thuyết giảng sai tôn chỉ, giáo lý, giáo luật Phật giáo, đã bị nghiêm cấm thuyết giảng trong mọi hình thức.
Tổ chức chiêm bái và truyền thông về "Xá lợi tóc Đức Phật" tạo ra nhiều thông tin trái chiều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của Phật giáo, cùng nhiều vi phạm khác, đầu năm 2024, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã phải chịu kỷ luật cảnh cáo.
Chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế trong một năm. Thậm chí, có những nhà sư đã vướng vòng lao lý như Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang, Giám đốc Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương Vĩnh Long đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long kỷ luật cho hoàn tục vì liên quan thông tin tố cáo lừa đảo số tiền lớn và sau đó bị lĩnh án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Thượng tọa Thích Đồng Huệ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau 2 ngày nhận quyết định hoàn tục đã bị bắt trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh./.